Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Vài năm gần đây, lúa hè thu thường hay bị bệnh cháy bìa lá. Xin cho biết thêm về căn bệnh này và cách phòng trị?
Bệnh cháy bìa lá còn gọi là bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra. Bệnh thường xuất hiện và gây hại ở vụ lúa hè thu do thời gian này thường có mưa to.
Bệnh có thể phát sinh gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của lúa, từ giai đoạn mạ cho đến khi trỗ chín. Vi khuẩn thường xâm nhập vào trong cây qua thủy khổng, lỗ khí ở trên chóp lá, mép lá, đặc biệt qua vết thương cơ giới trên lá, vì thế vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở mép lá, chóp lá, sau đó lan dần vào phiến lá hoặc lan thẳng xuống gân chính. Vết bệnh rộng dần ra theo đường gợn sóng hoặc thẳng, mô bệnh xanh tái, vàng lục, cuối cùng cháy khô và có màu nâu xám hoặc trắng bạc. Ranh giới giữa chỗ bị bệnh và không bị bệnh rất rõ rệt, có giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng rơm, đôi khi ranh giới chỉ là một đường chỉ có màu nâu sẫm đứt quãng hoặc không đứt quãng.
Bệnh thường gây hại trên những lá đã trưởng thành, tác hại chủ yếu của bệnh là làm lá lúa sớm bị tàn lụi, khô chết, bộ lá xơ xác. Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh sớm lại gặp điều kiện thời tiết thuận lợi mà không phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời, bệnh sẽ gây hại nặng và có thể làm “cháy” lá lúa, bụi lúa, giảm năng suất nghiêm trọng.
Nguồn bệnh lây truyền cho vụ sau chủ yếu là qua hạt giống và tàn dư của cây lúa bị bệnh trên đồng ruộng.
Để hạn chế tác hại của bệnh, bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Ở những vùng thường bị bệnh gây hại hàng năm, bạn nên chọn những giống ít bị nhiễm bệnh để gieo trồng cho vụ sau. Không nên gieo trồng những giống dễ bị bệnh như Jasmine, Khao Dawk Mali...
- Trước khi xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom sạch rơm rạ, tàn dư của cây lúa từ vụ trước và dọn sạch cỏ dại trên ruộng, nhất là một số loài cỏ là ký chủ phụ của bệnh như cỏ lồng vực, môi, gừng bò...
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, giảm bớt nguồn đạm vô cơ; nếu có điều kiện, tăng cường bón thêm phân hữu cơ đã được ủ hoai mục. Vào vụ hè thu và vụ mùa, sau mỗi đợt mưa to gió lớn nên phun ngừa bằng một trong những loại thuốc như: Hoả tiễn 50SP, Alpine 80WDG, Saipan 2SL, Aliette 80WP.
- Nếu thấy ruộng xung quanh đã bị nhiễm bệnh cần gia cố lại bờ bao không cho nước từ ruộng đó xâm nhập mang nguồn bệnh vào ruộng nhà mình.
- Khi cây lúa chớm bị bệnh cần ngưng ngay phân đạm, bón bổ sung kali và xịt các loại thuốc như trên khoảng 7-10 ngày/lần.
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình