Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Từ khi ra hoa kết trái, vườn cà chua thường bị hiện tượng sau: đầu tiên các lá trên ngọn cây bị héo rũ, sau đó lan xuống các lá phía dưới, gốc cây bị sần sùi. Cuối cùng, cà chua bị héo rũ, gãy gục và chết. Xin cho biết nguyên nhân và cách phòng trị?
Qua mô tả, có thể vườn cà chua bị bệnh héo xanh. Bệnh này do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Bệnh có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây nhưng thường hại nhiều ở giai đoạn ra hoa kết trái.
Nếu bị nhiễm ở giai đoạn cây con, bệnh thường làm cây héo rũ nhanh và chết. Cây lớn bị nhiễm bệnh thì lá ngọn héo rũ trước, sau đó các lá phía dưới tiếp tục héo.
Dù bị héo nhưng bộ lá và thân cành của cây vẫn giữ được màu xanh. Nếu cắt ngang thân cành sẽ thấy bó mạch dẫn mô gỗ có màu nâu đen, bên trong chứa đầy dịch nhờn vi khuẩn. Bóp nhẹ chỗ bó mạch sẽ thấy dịch nhờn vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.
Qua thực tế kiểm tra đồng ruộng cho thấy, bệnh thường gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ không khí cao. Như vậy, sự ẩm ướt của mùa mưa là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Ngoài ra, ở chân ruộng trồng các loại cây cà pháo, cà tím, đậu que, đậu cô ve, cải cúc... thường bị bệnh gây hại nặng vì những loại cây này là ký chủ của bệnh.
Vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào cây thông qua vết thương cơ giới do con người vô ý tạo ra trong quá trình chăm sóc, do côn trùng, tuyến trùng gây ra tại vùng rễ, gốc thân, cuống lá của cây hoặc qua những lỗ hở tự nhiên trên cây. Vì thế, trong quá trình chăm sóc, chú ý không làm xây xát thân cây. Đồng thời phải chú ý diệt côn trùng, tuyến trùng trên cà chua.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):
- Lên liếp cao hình mai rùa để vườn không bị đọng nước.
- Sử dụng hạt giống khỏe, không nhiễm bệnh.
- Sau khi thu hoạch, thu gom sạch tàn dư của cây cà chua ở vụ trước, đặc biệt là cây bị bệnh và cỏ dại trên ruộng đem tiêu hủy.
- Nếu có điều kiện nên ngâm nước ruộng khoảng 10-15 ngày hoặc cày phơi đất trước khi trồng.
- Không nên trồng quá dày để ruộng cà chua luôn thông thoáng.
- Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali; tăng cường bón thêm phân hữu cơ hoai mục. Vôi bột hoặc tro trấu cũng có tác dụng làm giảm tác hại của bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng cà chua để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh đem tiêu hủy, tránh lây lan sang cây khác. Sau khi nhổ bỏ, bón vôi bột vào chỗ vừa nhổ để khử trùng đất.
- Thăm ruộng thường xuyên (nhất là từ khi cây ra hoa kết trái trở đi) để phát hiện sớm khi bệnh mới chớm phát sinh. Khi phát hiện bệnh, bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Saipan 2SL, Bisomin 2SL... để phun xịt. Trước khi phun xịt, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất in trên nhãn thuốc.
Nếu đã áp dụng các biện pháp nêu trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm, chứng tỏ đất ruộng của bạn tích lũy quá nhiều mầm bệnh. Trong trường hợp này, nếu điều kiện cho phép, bạn nên luân canh một vài vụ với cây lúa nước hoặc những cây rau trồng nước, bắp, mía, bông, bắp (ngô) cải...
 
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình