Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Mấy năm gần đây có trồng đậu phụng nhưng không biết vì sao đậu phụng bị chết gần hết ở giai đoạn trước khi có quả. Xin cho biết cây đậu phụng bị bệnh gì và cách phòng trị bệnh?
Bệnh chết cây trên lạc (đậu phụng) hay còn gọi là bệnh héo rũ hại lạc. Theo mô tả thì ruộng đậu phụng thường chết vào giai đoạn trước khi hình thành quả, có thể do 2 tác nhân nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Mỗi tác nhân có triệu chứng nhận biết và cách phòng trừ khác nhau, cụ thể: 
* Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết: 
- Bệnh do vi khuẩn:
Cây đậu phụng có thể bị bệnh sớm ở giai đoạn cây con hay khi cây đã ra hoa, đâm tia, đậu quả. Triệu chứng điển hình là các lá ngọn bị héo trước, rồi lan dần xuống các lá dưới. Các lá bị héo vào ban ngày, nhưng tươi lại vào chiều mát và vào ban đêm. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong 2-3 ngày, sau đó, cây sẽ chết hẳn. Trong thân, nơi gần gốc, có màu nâu sậm và có chứa chất dịch vi khuẩn màu trắng đục, rễ cũng bị thối nâu, nhũn nước. 
Có thể cắt một đoạn thân còn tươi (trên cây bị bệnh) đem nhúng vào ly nước lọc, quan sát thấy có dòng dịch màu trắng sữa chảy ra. 
- Bệnh do nấm: 
+ Bệnh thối đen cổ rễ (héo rũ gốc mốc đen): Chủ yếu gây hại ở giai đoạn cây con đến ra hoa đâm tia,giai đoạn cây con hại phần thân dưới lá mầm, lá mầm bị đen. Sau giai đoạn cây con,cây khô héo nhanh, vết bệnh ở vùng cổ rễ tiếp giáp mặt đất hóa nâu, nâu đậm, nhổ cây dễ bị đứt gốc, bề mặt có lớp nấm màu đen. 
+ Bệnh thối trắng cổ rễ (héo rũ gốc mốc trắng): Bệnh hại ở các giai đoạn của cây đậu phụng, gây hại tập trung ở giai đoạn ra hoa, đâm tia đến thu hoạch.Nấm bệnh thường gây hại phần trên cổ rễ và thân ngầm trên mặt đất, sau đó lan nhanh lên cành, nhổ cây dễ bị đứt gốc, gãy cành. Cây bị bệnh có triệu chứng héo rủ lá màu xanh hoặc hơi vàng,vàng úa, cổ rễ và đoạn thân ngầm bị bệnh có màu nâu, thối mục khô xác,héo rũ từng cành,cành dưới gốc bị héo trước, sau đó héo cả cây, sau một thời gian cây bị chết. 
* Biện pháp phòng trừ: 
Các tác nhân gây bệnh trên có thể xảy ra cùng lúc hoặc xen kẽ nhau trong ruộng, nên cần áp dụng các biện pháp quản lý bệnh hại, như sau: 
- Không nên trồng đậu phụng liên tục nhiều vụ, nhiều năm, mà phải trồng luân canh với các cây trồng khác như lúa nước, bắp... 
- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước, cày bừa kỹ... 
- Thoát nước tốt cho ruộng đậu phụng, không nên để ruộng bị ngập úng 
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện cây bị bệnh nhổ tiêu hủy và rắc vôi bột vào vị trí bị bệnh để tiêu diệt nguồn bệnh. 
- Thay giống mới,sử dụng nguồn giống khỏe, sạch bệnh, nên sử dụng các giống lạc mới như L23, LDH 01, TB 25 ... 
- Bón phân cân đối N-P-K, tăng cường bón vôi và lân 
- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma.
- Nên trồng lạc bằng biện pháp che phủ nilon vừa hạn chế bệnh phát sinh gây hại, vừa tăng năng suất lạc. 
- Đối với bệnh do nấm gây ra có thể phun thuốc trừ nấm như Ridomil MZ 72WB, Anvil 5EC, Benomyl 50WP,monceren .... phun 2 lần cách nhau 7 ngày, phun kỹ trên tán và xung quanh gốc. 
- Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra: sử dụng thuốc hóa học thường có hiệu lực không cao, nên tăng cường các biện pháp quản lý như trên. Cần phát hiện bệnh sớm dùng các loại thuốc như Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP… có thể hạn chế được bệnh. 
Nguồn: khuyennongqnam.org.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình