Sâu cuốn lá gây hại ruộng lúa rất dễ nhận biết là nhờ lá lúa bị cuốn lại, loại này có khả năng gây thiệt hại ở mức cao, trên diện rộng và rất khó phòng trừ, thường phát sinh nặng vào những năm có khí hậu mát mẻ, ẩm độ cao, mưa, nắng xen kẽ nhau và gây hại trong giai đoạn cây lúa đẻ nhánh cho đến khi lúa ngậm sữa.
Để phòng trị có hiệu quả trường hợp ruộng lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại như đã miêu tả. Xin giới thiệu một số vấn đề như sau:
Các yếu tố dễ làm bộc phát sâu cuốn lá nhỏ: Thời vụ xuống giống không tập trung, sâu cuốn lá nhỏ tập trung gây hại từ khi cây lúa đẻ nhánh cho đến khi lúa ngậm sữa, do đó nếu xuống giống không tập trung thì khi trà lúa trước đã qua các giai đoạn trên, thì sâu cuốn lá sẽ tập trung vào trà lúa sau để phát triển, nói cách khác là đã tạo thức ăn liên tục cho sâu cuốn lá nhỏ sinh trưởng và phát triển. Sử dụng phân bón không hợp lý: Bón quá nhiều đạm, bón lai rai nhiều lần làm cho cây lúa lúc nào cũng xanh tốt là điều kiện lý tưởng để sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, phát triển. Thời tiết khí hậu, đặc biệt là mùa mưa nắng xen kẽ kết hợp ẩm độ cao, sâu cuốn lá sẽ phát sinh rất mạnh. Vì vậy cần nắm chắc dự báo thời tiết để chủ động đưa ra biện pháp ngăn ngừa sớm.
Biện pháp phòng trừ: Thực hiện biện pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng là giải pháp hữu hiệu giúp cây lúa phát triển chắc khỏe, hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh nói chung. Tăng cường áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, kết hợp hài hòa các biện pháp thủ công, canh tác và sinh học... Biện pháp canh tác rất quan trọng, nếu thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, thời vụ, mật độ gieo cấy, chế độ nước… sẽ điều chỉnh sự phát sinh quá mức của sâu bệnh hại nói chung và sâu cuốn lá nhỏ nói riêng.
Biện pháp hóa học: khi thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh bùng phát mà các biện pháp khác không đủ sức khống chế thì có thể sử dụng một trong các loại thuốc Padan 95SP, Gegent 800WP, Sumithion 50EC, Karte 2EC... để phòng trừ.
Nhiều bà con dùng gai cào rách lá mới xịt thuốc, đây là biện pháp có hiệu quả tốt vì sâu non nhả tơ cuốn lá và nằm trong đó nên dùng gai cào rách lá sẽ có tác dụng diệt sâu tốt hơn, tuy nhiên cần chú ý vì có thể ảnh hưởng không tốt khi lúa làm đòng và ngậm sữa.
|