Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết vai trò và một số nguyên tắc sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi?
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 186 trang trại chăn nuôi heo và 47 trang trại chăn nuôi gia cầm. Các trang trại này thực hiện tốt các quy trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác nên ít dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian qua xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên heo,…chủ yếu ở trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ do không thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định, nên không có miễn dịch để chống lại mầm bệnh. Do đó muốn hạn chế được dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi là một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình chăn nuôi.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất, những đàn gia súc, gia cầm nào được tiêm phòng và những vùng chăn nuôi nào tiêm phòng đạt tỷ lệ cao thì hạn chế được dịch bệnh xảy ra, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Nhằm sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi một cách hiệu quả, người chăn nuôi cần phải nắm vững một số nguyên tắc trong quá trình sử dụng vắc-xin cụ thể như sau:
1. Bảo quản, vận chuyển đúng kỹ thuật:
Đây là yếu tố đặt lên hàng đầu bởi vắc-xin luôn đòi hỏi phải bảo quản ở một điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là các loại vắc-xin nhược độc. Phải tuân thủ đúng yêu cầu điều kiện bảo quản vắc-xin của nhà sản xuất.
- Điều kiện nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản các loại vắc-xin là ở nhiệt độ từ 2 - 8oC, không bảo quản vắc-xin trong ngăn đá tủ lạnh, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Để bảo quản vắc-xin trong điều kiện tốt nhất khi vận chuyển phải đựng vào hộp xốp hoặc phích đá, cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập và đặc biệt không cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin
2. Sử dụng vắc-xin đúng kỹ thuật:
- Phải chọn lựa những loại vắc-xin phòng bệnh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, loại vắc-xin có chứa chủng kháng nguyên (vi rút, vi khuẩn) phù hợp với chủng kháng nguyên gây bệnh lưu hành tại địa phương. Người chăn nuôi nên tham khảo cán bộ thú y tại địa phương để được chọn lựa loại vắc-xin cho phù hợp nhằm đạt được kết quả phòng bệnh  cao.
- Vắc-xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được cho loại bệnh đó, không phòng được cho các bệnh khác. Thường sau khi tiêm vắc-xin khoảng 2-3 tuần thì cơ thể mới có miễn dịch. Vì vậy khi mới tiêm và chưa qua giai đoạn này thì vật nuôi vẫn có thể bị mắc bệnh.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từng loại vắc-xin và kiểm tra lọ vắc-xin trước khi sử dụng. Kiểm tra những chi tiết sau:
+ Thông tin trên nhãn: (Những chi tiết này cần ghi vào sổ để theo dõi nếu gặp sự cố khi sử dụng): Tên vắc-xin (có đúng với nhu cầu sử dụng không); Số lô, số liều sử dụng; Ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng; Thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản.
+ Kiểm tra lọ vắc-xin nếu phát hiện nắp lọ vắc-xin bị lỏng, bị rách, lọ thủy tinh bị rạn nứt, màu sắc không bình thường,  bị vón, có vật lạ trong lọ, khi lắc lọ vắc-xin có tạo thành một dung dịch không đồng nhất, hết hạn sử dụng…kiên quyết không sử dụng các lọ vắc-xin bị một trong những tình trạng trên, do vaccin đã bị hư hỏng hoặc giảm chất lượng.
- Chỉ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh, trong độ tuổi tiêm phòng. Không tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm bị bệnh, sốt hoặc nghi bệnh; không nên tiêm vắc-xin vi rút nhược độc cho gia súc mang thai ở thời kỳ thai sớm (1/3 kỳ thai đầu tiên), gia súc đang mang thai sắp đến ngày đẻ hoặc vừa mới đẻ xong; động vật mới thiến chưa lành vết thương, những con có nhiều ký sinh trùng; gia súc, gia cầm chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
- Khi mua vắc-xin nên mua ở những nơi có đủ điều kiện bảo quản và được Chi cục Chăn nuôi – Thú y cấp phép để đảm bảo chất lượng và được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng các loại vắc-xin.
- Dụng cụ tiêm phòng phải đảm bảo tiệt trùng, biện pháp tốt chất là đun sôi dụng cụ trước khi sử dụng (không dùng cồn để sát trùng dụng cụ, bơm tiêm, kim tiêm), thường xuyên thay đổi kim tiêm. Sử dụng kim tiêm rút thuốc riêng, kim dùng để tiêm riêng không sử dụng chung.
- Tiêm đủ liều lượng, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vật nuôi và từng loại vắc-xin;
- Trước khi tiêm phải lấy lọ vắc-xin ra ngoài thùng đá bảo quản, để cho nhiệt độ chai vắc-xin gần bằng với nhiệt độ phòng, lắc đều, kỹ trước khi sử dụng (đối với các loại vắc-xin nhũ dầu dạng nước). Vắc-xin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm.
- Chỉ pha vắc-xin bằng dung dịch cấp phát kèm theo cho từng loại vắc-xin của nhà sản xuất, tuyệt đối không dùng các loại dung dịch để pha.
- Thời gian sử dụng vắc-xin sau khi mở lắp lọ và pha vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất: Vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò sử dụng trong vòng 24 giờ; dịch tả heo, newcastle sử dụng trong vòng 2-3 giờ; cúm gia cầm sử dụng trong vòng 24 giờ; Tai xanh trên heo sử dụng trong vòng 01 giờ; lở mồm long móng sử dụng trong vòng 36 giờ. Điều kiện vắc-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ 2oC-8oC và không được đâm kim vào nút cao su nhiều lần.
- Sau khi sử dụng vắc-xin, cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp những trường hợp phản ứng hoặc gia súc, gia cầm có thể bị sốc choáng phản vệ.
- Ghi chép đầy đủ thông tin liên quan trong quá trình sử dụng vắc-xin vào biểu mẫu tiêm phòng (thú y viên đi tiêm phòng) hoặc sổ sách theo dõi của chủ vật nuôi.
3. Một số bệnh cần thiết phải phòng bệnh bằng vắc-xin trên địa bàn tỉnh hiện nay:
- Đối với trâu, bò, dê: Tiêm phòng vắc-xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng.
- Đối với lợn: Tiêm phòng vắc-xin Dịch tả, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móng, phó thương hàn…
- Đối với chó, mèo: Tiêm phòng bệnh Dại.
- Đối với gà: Tiêm phòng vắc-xin Cúm gia cầm, Newcastle,…
- Đối với vịt: Tiêm phòng vắc-xin Cúm gia cầm, Dịch tả vịt,.
Tiêm phòng không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người chăn nuôi. Do đó người chăn nuôi cần phải chủ động thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình. Coi tiêm phòng là khâu chính, có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi, cán bộ thú y cần phải tuân thủ tốt các nguyên tắc trong quá trình sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đây biện pháp quan trọng nhất, quyết định mọi thành bại trong chăn nuôi đó là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi theo quy định.
Nguồn: sonongnghiepbp.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình