Trả lời:
1. Tưới phun:
Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 3600, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5- 1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù) thường áp dụng tưới cho cây con trong vườn ương hoặc vòi phun hạt to di động cầm tay dùng để tưới cây ăn quả vào những ngày nắng nóng oi bức (phun vào 16-18giờ chiều) để tăng ẩm độ không khí, giảm độ nóng cho quả, cho cây, chống hiện tượng rụng quả do thời tiết khắc nghiệt.
Ưu điểm: Khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, độ ẩm không khí thấp) đảm bảo năng suất, chất lượng quả và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao trong việc nhân giống cây con (ươm, giâm cây giống).
Nhược điểm: Đầu tư ban đầu tương đối lớn, nơi có điều kiện kinh tế mới áp dụng được. Nếu tưới nhiều bằng vòi phun cầm tay di động hạt nước to mặt đất cũng bị ghí chặt, phá vỡ kết cấu mặt đất, chất dinh dưỡng bị rửa trôi theo dòng nước chảy trên mặt đất.
2. Tưới nhỏ giọt:
Đây là phương pháp tưới hiện đại, thường được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới.
Ưu điểm: Tiết kiệm lượng nước tưới tối đa. Đất không bị dí chặt, giữ nguyên hiện trạng kết cấu đất, đất không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi.
Nhược điểm: Đây là phương pháp yêu cầu đầu tư lớn nhất, khó áp dụng trong sản xuất đại trà.
3. Tưới ngầm:
Tưới ngầm là phương pháp tưới nước cho cây qua hệ thống thiết bị máy bơm kèm theo hệ thống các ống dẫn nước đặc biệt nằm dưới lòng đất hoặc có sự chệnh lệch mực nước của nguồn cung cấp nước.
Ưu điểm: Tiết kiệm nước. Đất không bị dí chặt, giữ nguyên hiện trạng kết cấu đất, đất không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi.
Nhược điểm: Chi phí đầu tư ban đầu lớn. Chỉ áp dụng được đối với các loại đất có độ xốp cần thiết cho nước thấm qua dễ dàng (như các loại đất có độ xốp lớn, đất than bùn).
4. Tưới rãnh:
Là phương pháp tưới để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây trồng.
Ưu điểm: Tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây, lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị dí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi. Đây là phương pháp tưới thông dụng thường được bà con tưới cho nhiều vườn cây ăn quả trong cả nước.
Nhược điểm: Chỉ áp dụng được với nơi có địa hình tương đối bằng phẳng (độ dốc<50). Lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới. Gặp khó khăn trong việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh. Phải chi phí khá lớn nhân công và thời gian cho việc cải tạo các rãnh nước.
5. Tưới ngập:
Tưới ngập là phương pháp cho nước vào vườn cây một lớp nước nhất định, trong một thời gian xác định để cung cấp nước cho cây.
Ưu điểm: Kết hợp được việc tưới nước với tiêu diệt một số loài sâu hại cư trú trong lòng đất (dế cắn rễ cây; nhộng các loài ruồi, sâu đục hạt quả xoài và quả các loại cây khác).
Nhược điểm: Tốn nhiều nước, chỉ áp dụng được với nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, thoát nước tốt. Đất bị ghí chặt, dinh dưỡng bị rửa trôi theo dòng nước tiêu, kết cấu đất bị phá vỡ.
Tóm lại qua nghiên cứu ưu nhược điểm của một số phương pháp tưới nước cơ bản cho vườn cây ăn quả, căn cứ vào điều kiện kinh tế, trình độ kỹ thuật của bản thân, bà con tự chọn cho mình một phương pháp phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|