Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Lá gừng bị thủng lỗ, sau khô chết, củ bị thối. Tôi phun thuốc có gốc thủy ngân thì đỡ. Xin cho hỏi đây là bệnh gì? Cách chữa trị như thế nào cho khỏi phải dùng thuốc cấm ?
Rất tiếc là không được trực tiếp quan sát khu vực trồng gừng của bạn. Nhưng qua miêu tả, có thể thấy ruộng gừng này đang bị hai loại nấm cùng gây hại. 
- Bệnh hại trên lá do nấm Piricularia grisea gây ra. Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ, màu xanh tái, sau đó vết bệnh lớn dần, đường kính từ 3-7mm, giữa vết bệnh có màu nâu xám, xung quanh có viền nâu đậm. Nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau, tạo thành những mảng cháy lớn trên lá. 
- Hiện tượng thối củ là do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Đầu tiên bệnh xuất hiện ở bẹ lá gần mặt đất, là những đốm màu nâu xám, từ 3-5mm. Sau đó vết bệnh lan rộng ra, không có hình thù nhất định, xung quanh viền nâu đậm hoặc nâu đen. 
Cả hai loại nấm này đều tồn tại trên tàn dư cây trồng và lan truyền từ vụ này qua vụ khác. Bệnh phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 20-30 độ C, ẩm độ cao, ít nắng, ruộng trồng dày, bón nhiều phân đạm. Đất trồng gừng liên tục nhiều năm thường bị bệnh nặng. Các vùng trồng gừng ở Sơn La, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum... cũng thường thấy hiện tượng cháy lá, thối củ. Gừng trồng trên đất thịt bị hại nặng hơn trên đất cát. 
Để hạn chế hiện tượng cháy lá thối củ gừng, cần thực hiện một số biện pháp sau đây: 
1. Sau khi thu hoạch gừng, thu dọn hết tàn dư cây trồng, đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy (đốt hoặc chôn sâu) để hạn chế nguồn bệnh lây lan sang vụ sau. 
2. Sau vụ gừng, nên trồng những cây họ bầu bí, vì nấm Piricularia và nấm Rhizoctonia ít gây hại cây trồng họ này. Những ruộng chỉ trồng một vụ gừng cần làm ải để diệt nguồn bệnh. 
3. Khi làm đất trồng vụ gừng mới, cần bón vôi khử chua, lượng bón từ 25- 30 kg/500m2. Bón xong bừa kỹ để vôi trộn đều với đất. Làm đất xong lên luống cao, khơi rãnh thoát nước trong mùa mưa. 
4. Bón phân N:P:K theo tỉ lệ 1:1:1. Trước khi trồng, dùng 1-2kg thuốc DIAPHOS 10H hoặc SAGO SUPER 3G hoặc GÀ NÒI 4G bón vào rãnh hoặc hốc cho 500m2 ruộng, rắc thuốc này hạn chế các loại sâu hại nằm trong đất, đặc biệt là dế dũi. 
5. Trồng với mật độ vừa phải, tính toán thế nào để đến khi gừng phát triển tối đa, ruộng vẫn còn thông thoáng. 
6. Khi gừng con mọc cao từ 15-20cm thì định kỳ dùng phân bón lá Multi-K pha nồng độ 1-2% hỗn hợp với một trong các loại thuốc trừ bệnh sau đây để phun (CARBENZIM 50WP, 500FL, HẠT VÀNG 50WP, BENDAZOL 50WP, LUNASA 25EC, TRIZOLE 50-70WP...) dùng thuốc theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Định kỳ 15-20 ngày phun phân và thuốc một lần, ngừng phun trước khi thu hoạch 20 ngày. 
Thực hiện tốt các biện pháp trên, chắc chắn có một vụ gừng bội thu.
Nguồn: trungtamqlkdg.com.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình