Hiện nay, với diện tích trồng trọt bị hạn hẹp dần do quá trình đô thị hóa, nhiều người đã tận dụng khoảng trống trên sân thượng (có làm giàn lưới che) hoặc trong sân vườn nhà (nơi thoáng mát) để trồng các loại rau ăn lá (còn gọi nôm na là rau mầm) nhằm cải thiện các bửa ăn trong gia đình và nếu trồng với số lượng lớn còn có thể kinh doanh mang lại lợi nhuận không nhỏ. Sau đây là một vài phương cách gieo trồng và chăm sóc :
1. Kỹ thuật gieo ươm cây rau giống trên khay bầu nhỏ :
- Chuẩn bị khay, giá thể và gieo hạt : Chọn loại khay nhỏ làm bằng nhựa hoặc bằng xốp có kích thước 30 x 60 cm (có 128 lỗ trên bề mặt) để gieo ươm giống rau. Giá thể được chế biến bằng cách trộn đều 1/3 phân chuồng đã ủ hoại mục + 1/3 mùn cưa hoặc sơ dừa đã được phơi kỹ + 1/3 các chất hữu cơ từ sản phẩm nông nghiệp hoại mục như rơm, rạ, than bùn... Ngoài ra, còn có bổ sung thêm 2 kg phân supe lân cho 100 kg giá thể để kích thích cây con nhanh ra rễ rồi cho vào các lỗ của khay bầu, nén nhẹ cho chặt rồi gieo vào mỗi lỗ một hạt giống.
- Chăm sóc cây rau giống : Xếp các khay thành hàng, thành luống rồi hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho hạt mọc và phát triển trong khoảng 10 đến 15 ngày là có thể đem trồng được. trong thới gian này, không cần bón phân thêm vì lượng phân bón lót trong lỗ khay đã đủ cho cây sinh trưởng, phát triển bình thường.
2. Kỹ thuật trồng chuyển sang khay bầu to :
- Chuẩn bị giá thể : Giá thể bao gồm 1/3 phân chuồng + 1/3 đất cát, đất thịt nhẹ + 1/3 chất hữu cơ hoại mục, các chất khoáng, than bùn + 3 kg phân supper lân/ 100kg hổn hợp. Nếu không có phân chuồng có thể trộn 40% mùn cưa đã mục + 40% phân vi sinh, rác thải hữu cơ hoại mục + 20% phân vi sinh Sông Gianh. Trộn đều hỗn hợp và đóng vào các khay bầu to có kích thức lỗ to hơn (hoảng 250 lỗ) để chuyển bầu cho cây rau giống.
- Trồng cây : Dùng ngón tay ấn nẹ vào đáy bầu trên khay nhỏ để lấy ra bầu cây nguyên vẹn không bị vỡ bầu, đứt rễ rồi đem trồng vào khay bầu lớn. Bằng cách này, có thể rút ngắn được thời gian chăm sóc từ 5 đến 7 ngày do không mất thời gian cây bén rễ như phương pháp gieo hạt, nhổ cây và trồng lại.
- Chăm sóc : Dùng phân vi sinh để bón cho cây, sử dụng các hệ thống lưới xoay hoặc tưới bằng bình bơm để giữ ẩm cho cây. Dùng nilon phủ đất (nếu trồng trong nhà lưới). Nếu có sâu bệnh nên dùng các chế phẩm sinh học và phi hóa học để phòng trừ. Nếu có sử dụng nhà lưới thì hầu như không cần dùng đến các loại thuốc hóa học. Trường hợp có nhiều rệp và bọ nhảy gây hại trên lá thì có thể dùng các bẩy dính màu để thu hút và tiêu diệt chúng rất có hiệu quả.
3. Kỹ thuật trồng chuyển sang trên luống đất :
Ngoài việc chuyển trồng sang khay bầu to đặt trong nhà lưới, cũng có thể trồng trên luống đất nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng rau thương phẩm cao. Kỹ thuật làm đất, bón phân, lên luống cũng giống như với phương pháp truyền thống của nông dân.
4. Thu hoạch :
Sau khi chuyển sang trồng ở khay bầu to hoặc trồng trên luống đất thì khoảng 15 đến 20 ngày là có thể thu hoạch được.
|