Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết cách phòng trị bệnh lem lép thối hạt lúa?
Những năm gần đây, bệnh lem lép và thối hạt lúa xuất hiện, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hầu hết các giống lúa và ở tất cả các vụ lúa trong năm, làm giảm năng suất từ 20-30%.
- Nguyên nhân:
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas glumae và tập đoàn nấm như Fusarium, Alternarla, Cuvularia, Helminthos, Prium oryzea… gây ra, tác nhân gây bệnh phức tạp và biện pháp xử lý, phòng trừ cũng khó khăn.
- Triệu chứng:
Quan sát ngoài đồng ruộng cho thấy, bệnh hại từ khi lúa trổ đến khi thu hoạch có những đặc trưng:
Bệnh thối hạt do vi khuẩn:
Trên hạt lúa xuất hiện những chấm đen nhỏ trên đầu phôi, sau đó phát triển làm biến vỏ màu hạt thành màu xanh vàng dạng thấm nước. Quan sát phần nội phủ bị bệnh có màu đen, hạt teo, phần dưới hạt vẫn còn màu xanh có đường ranh giới màu nâu. Nếu hạt bị vi khuẩn xâm nhập sớm sẽ bị lép hoàn toàn, còn xâm nhập muộn hạt sẽ bị lửng. Bệnh thể hiện rõ sau khi bông lúa trổ thoát, bông và hạt bị bệnh có màu xanh vàng, thấm nước. Hạt bị bệnh rất dễ vỡ.
Bệnh lem lép hạt do nấm:
Bệnh do nhiều loại nấm cùng lúc gây ra, triệu chứng rất khó phân biệt. Biểu hiện đặc trưng là trên vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ li ti màu nâu hoặc màu đen; hạt bị nặng, vỏ có những vết đen. Nếu xâm nhập sớm hạt vẫn vào chắc nhưng dễ gãy, tỷ lệ hạt gạo nguyên thấp. Trên ruộng lúa nấm thường xâm nhập khi lúa phơi màu, ngậm sữa, vỏ hạt đen. Nấm gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột như lạnh, nóng, ẩm…
Các yếu tố ngoại cảnh:
Mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Vụ hè thu thường hay phát bệnh hơn vụ đông xuân; lúa trổ gặp điều kiện nhiệt độ cao, sương mù, bệnh sẽ phát triển nhanh; bón phân không cân đối giữa đạm, lân và kali làm bệnh phát triển. Bón dư đạm, bệnh sẽ phát triển mạnh hơn.
Phòng trừ tổng hợp:
Bệnh do nhiều tác nhân gây ra, nên biện pháp phòng trừ cần thực hiện tổng hợp:
- Không dùng lúa trên ruộng lúa bị bệnh vụ trước làm giống cho vụ sau.
- Ruộng bị bệnh sau khi thu hoạch, hạt lửng lép cần tập trung đốt, không để rơi rớt trên ruộng vì nấm tồn tại trên hạt sẽ gây hại cho vụ sau.
- Bón phân cân đối NPK, không bón dư đạm.
- Sạ với mật độ vừa phải, nên sạ theo hàng để dễ kiểm soát (100-120kg giống/ha).
- Bố trí thời vụ hợp lý, tránh cho lúa trổ vào thời gian có nhiệt độ cao, sương mù và trời mưa.
- Giữ nước thường xuyên trên ruộng, nhất là giai đoạn lúa trổ.
- Phun thuốc Rovral 50 WP với lượng 1,2kg/ha hoặc Starner 1 DL (2kg/ha) khi lúa trổ đều. Nếu thấy thời tiết ẩm ướt và giống bị nhiễm thì phun 2 lần, lần sau cách lần 1 từ 7-10 ngày. Cũng có thể dùng thuốc Alvil 5 SC để hạn chế bệnh.
Nguồn: trungtamqlkdg.com.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình