Qua mô tả thì chỉ nêu nòng nọc chết sau khi nở khoảng từ 3 - 5 ngày tuổi, mà không nêu cụ thể điều kiện môi trường bể nuôi, cách chăm sóc và quản lý nòng nọc giai đoạn này như thế nào, vì vậy không thể đưa ra được nguyên nhân cụ thể là do yếu tố nào, vì thế cần tham khảo biện pháp tổng hợp như sau:
1. Điều kiện môi trường nòng nọc
+ Nhiệt độ nước: 27 - 300c.
+ pH nước: 6,8 - 7
+ Độ mặn: 0, nếu độ mặn vượt quá 1‰ thì nòng nọc đã chết
+ Chất lượng nước phải tốt, không được ô nhiễm
2. Bể ương nuôi nòng nọc:
- Bể nuôi nòng nọc thường có kích thước: 1m x 2,5m, đáy bể bằng đất thịt có hình lòng máng, tạo cho đáy bể có độ sâu khác nhau để nòng nọc tự lựa chọn độ sâu tùy ý thích hợp với nhiệt độ trong ngày. Phủ bạt xanh để giữ nước.
- Hệ thực vật trong ao ương nòng nọc có thả rong đuôi chó hay bèo lục bình với ½ diện tích mặt nước.
- Mật độ nuôi khoảng 2.000 cá thể/1m2
- Mực nước trong bể đảm bảo từ 0,25 - 0,35m so với đáy.
3. Chăm sóc nòng nọc:
Trứng sau khi đẻ 24 giờ thì nở thành nòng nọc. Sau 48 giờ nòng nọc bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Vào lúc này ta nên bổ sung trứng nước làm thức ăn cho ếch với lượng 100 - 200g/10.000 nòng nọc.
Sau 3 ngày: cho nòng nọc ăn trùng chỉ, cá tạp xay nhuyễn, thức ăn công nghiệp dạng bột cho ăn với lượng 15 - 30% trọng lượng.
Sau 21 - 25 ngày nòng nọc bắt đầu rụng đuôi thành ếch con. Giai đoạn này cho ếch ăn thức ăn công nghiệp với lượng 10 - 15% trọng lượng.
Sau 45 ngày ương ếch đạt kích cỡ 5 - 6g/con ta có thể bán giống hoặc chuyển sang nuôi thương phẩm.
Trong suốt quá trình ương nên thường xuyên thay nước, vệ sinh bể ương 2 ngày/lần, định kỳ trộn thêm vitamin, men tiêu hóa cho ếch.
Ngoài ra, anh Quyết cũng nên thay đổi ếch bố và mẹ từ nơi sống khác nhau, tránh hiện tượng dùng ếch bố, mẹ nuôi chung trong thời gian dài để tham gia sinh sản, vì như thế dễ xảy ra tình trạng ếch con bị đồng huyết, sức đề kháng kém và chết yểu trong những ngày đầu.
|