Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Xin hỏi làm thế nào để mở rộng nuôi giun đất làm thức ăn cho gà?
Để nuôi giun đất có quy hoạch và hiệu quả nên làm đầy đủ các bước như sau:
- Chọn giống giun đất: Hiện nay nhiều nông hộ đã sử dụng giống giun quế Perionyx excavatus để nuôi theo kiểu công nghiệp (có thể liên hệ với Trung tâm Chuyển giao Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Nông nghiệp Thủ Đức - Tp. Hồ Chí Minh để mua giống)
- Tạo chất nền cho giun: Dùng phân trâu bò, trộn cùng với rơm rạ cắt ngắn theo tỷ lệ 1/1 chất đống thành hình cầu hay đặt vào bể ủ xây bằng gạch, trát ximăng, mỗi lớp phân trộn rơm rạ dày khoảng 20cm và được tưới nước để có độ ẩm 50 - 60%. ủ trong 30 - 45 ngày vào mùa hè, 90 ngày vào mùa đông. Nếu sử dụng phân và rơm rạ đã mục thì thời gian ủ chỉ cần 30 ngày. Sau 2-3 ngày ủ, nhiệt độ lên cao tới 70 - 80°C, sau đó giảm còn 60°C (sờ có cảm giác nóng) thì đảo rồi đánh đống lại. Đông ủ cao 0,8 - 1m. Thường khi sử dụng làm chất nền cho giun, ta dỡ đống ủ cho bay hết hơi độc, làm tơi xốp và nguội.
Nuôi giun trong các thùng, ô với kích cỡ 0,6 x 0,3 x 0,25m. Ô nuôi giun có thể làm bằng gỗ, thúng, bao cám hoặc xây gạch láng ximăng kích cỡ 1 x 1 x 0,45m và cần có nắp đậy hoặc để trong nhà tránh mưa. Tuần tự công việc như sau:
- Cho chất nền vừa ủ xong vào ô với độ dày 15 - 20cm, tưới nước trộn đều để đạt độ ẩm 60%, tiếp theo rải giun giống lên mặt chất nền thành từng đám hoặc rải đều. Với lượng giun 3kg/m2 mặt ô nuôi.
- Cách hai ngày, rắc lớp thức ăn cho giun. Lượng thức ăn bằng lượng giun thả vào ô nuôi. Hàng ngày theo dõi độ ẩm và lượng thức ăn còn hay hết để bổ sung lượng nước và thức ăn kịp thời; mỗi tháng 1 - 2 lần xới xáo nhẹ để đảm bảo độ tơi xốp và không khí lưu thông. Định kỳ hai tháng san sang ô nuôi mới một lần để điều chỉnh mật độ và tăng sản lượng khai thác. Miệng ô, hố nuôi đậy phên che nứa để thoáng khí.
- Thức ăn cho giun: Thức ăn nuôi giun gồm 50% các loại rơm rạ, bã mía, mùn cưa,... đã ủ hoại, 20% rau các loại, vỏ chuối, thân chuối băm, lá cây họ đậu, vỏ các loại củ,... và 30% phân gia súc, gia cầm, trong đó phân trâu bò là tốt nhất. Có thể cho giun ăn phân trâu bò, ngựa, dê, lợn mà không cần ủ (phân tươi).
Chú ý: Mặt chất nền nên cách miệng ô, đáy nuôi giun khoảng 20 - 30cm. Khi lượng giun sản sinh, phân giun đầy đến miệng hố, ô nuôi thì ta san sang ô mới hoặc thu hoạch giun làm thức ăn cho gà. Khi trời mưa to phải che chắn nhưng không đậy kín, gây thiếu không khí.
- Thu hoạch giun: Sau 30 - 40 ngày nuôi, có thể thu hoạch giun. Có hai cách thu hoạch:
+ Thu hoạch thường xuyên, khi cần cho gà ăn hàng ngày. Dùng tay bắt những giun trưởng thành trên mặt ô hoặc xới xáo nhẹ để bắt những giun phía dưới.
+ Thu hoạch theo đợt - cả ô một lần để cho đàn gà lớn ăn trong ngày hoặc để chế biến sấy khô, nghiền dự trữ. Cách thu hoạch nhanh nhất là xúc lần lượt đến hết chất nền cùng giun trong ô nuôi rải trên tấm lưới có mắt to hơn mắt sàng (hoặc dùng sàng, rổ tre), rồi dùng đèn có công suất 200 - 250W chiếu lên trên mặt chất nền; giun sợ ánh sáng chui qua mắt sàng rơi xuống dụng cụ hứng giun (trải tấm nilon,...) Rửa sạch giun rồi cho gà ăn hoặc hấp chín, sấy khô đóng bao, dự trữ để bổ sung vào thức ăn hỗn hợp cho gia cầm.
- Sử dụng chất nền: chất nền sau khi thu hoạch giun được sử dụng lại bằng cách ủ thêm phân trâu, bò, dê, lợn, gà đến khi hoại (như ủ chất nền đã nói ở trên) làm chất nền mới cho giun, trong chất nền sử dụng lại còn có cả ấu trùng giun, đó là nguồn cung cấp giun giống tốt để làm giống cho đợt nuôi mới.
Nguồn: thuvien.mard.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình