Bất kỳ nghề làm kinh tế nào cũng có những khó khăn, chăn nuôi lợn rừng cũng có những khó khăn khá đặc thù, đó là:
- Chưa có hệ thống cung cấp giống chuyên nghiệp,
- Kiến thức khoa học kỹ thuật đặc thù cho chăn nuôi lợn rừng còn nhiều hạn chế,
- Diện tích chuồng trại tuy không phải sử dụng các vật liệu đắt tiền nhưng lại đòi hỏi diện tích rộng lớn,
- Lợn lớn chậm và thể trọng khai thác nhỏ (25-40kg) nên quay vòng vốn chậm,
- Sản phẩm chưa có công nghệ chế biến nào đề cập tới do sản lượng thịt xẻ sản xuất được còn thấp. Sản phẩm chỉ chủ yếu bán ở dạng tươi sống nên thị trường tiêu dùng vẫn mang yếu tố chưa ổn định.
Để tháo gỡ các khó khăn trên cần phải có thời gian. Trước mắt việc phát triển trang trại lợn rừng phải được người chăn nuôi giàu tâm huyết nghiên cứu kỹ. Khi đã quyết định đầu tư phải chú trọng con giống ban đầu có lý lịch rõ ràng, tốt nhất là lợn rừng chuẩn (có thể bằng con đường nhập khẩu). Từ đó, việc nhân giống và quản lý giống cần được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên bởi kỹ thuật viên có chuyên môn tốt làm việc trong trang trại.
Thường xuyên gần gũi, phát hiện những đặc tính tốt của đàn lợn rừng để cải thiện khâu chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp hơn, đa dạng hơn để tận dụng hết mọi ưu thế.
Chuẩn bị vốn lưu động cần thận để xoay chuyển hướng khai thác trong chăn nuôi lợn rừng khi thị trường có biến động.
Chủ động học hỏi và hướng tới chăn nuôi gắn liền với giết mổ tập trung và công nghệ chế biến đặc thù cho sản phẩm của chăn nuôi lợn rừng.
|