Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết muốn nuôi lợn rừng thì cần phải chuẩn bị những gì?
Nuôi lợn rừng hiện vẫn là nghề chăn nuôi mới ở Việt Nam cho nên người chăn nuôi càng phải thận trọng, tìm hiểu thật kỹ trước khi đầu tư, không nuôi theo kiểu đến đâu tính đến đó. Kiểu chăn nuôi ào ào, không hạch toán, tự phát và thụ động theo thị trường chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại hoặc kém lợi nhuân, gây thất thoát kinh tế và tâm lý hoang mang chán nản cho người chăn nuôi cho dù vật nuôi ban đầu lựa chọn những tưởng là rất triển vọng.
Vì vậy, trước đối tượng vật nuôi mới (ở Việt Nam) này, tuy thu nhập rất hấp dẫn, kỹ thuật đơn giản nhưng trước khi đầu tư, người chăn nuôi vẫn nên tìm hiểu thật kỹ các điều kiện cơ bản để nuôi lợn rừng thành công.
1. Xác định quyết tâm
Trước hết người chăn nuôi cần có lòng yêu thích, quyết tâm nuôi lợn rừng. Nếu chưa thực sự yên tâm, chưa thật sự yêu nghề mà làm theo cảm tính thì chưa nên nuôivì nuôi lợn rừng cần có thời gian quan sát tập tính, gần gũi và điều chỉnh chế độ nuôi dưỡng cho phù hợp với đàn lợn rừng cụ thể của mình. Hơn nữa, việc thị trường lên xuống thất thường, các cơn sốt ảo và sự ra đời nhiều nghề chăn nuôi mới sẽ tác động không nhỏ đến quyết tâm chăn nuôi lợn rừng của người chủ trang trại.
Hiện nay, nuôi lợn rừng đang khá sốt và nhiều hứa hẹn triển vọng với giá giống 2-3 triệu đồng/cặp và giá thịt từ 60.000-250.000đ/kg.Song không chỉ nuôi lợn rừng mà nuôi bất kỳ vật nuôi nào người nuôi cũng nên tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định vì nghề chăn nuôi nào cũng có những thuận lợi, khó khăn và các cao trào phát triển đặc thù của nó.
Chỉ khi thấy trang trại của mình thực sự đầy đủ các yếu tố cần thiết, chuẩn bị được lực vốn và thị trường ổn định cùng lòng yêu thích, ham mê thực sự mới quyết tâm nuôi lợn rừng. Tuyệt đối không nên chăn nuôi theo phong trào mà không thực sự nắm chắc điều kiện của mình có nuôi được hay không.
2. Xác định thị trường
Đầu tiên là công tác theo dõi, quan sát thị trường để xác địn mục tiêu sản xuất kinh doanh phù hợp với khả năng thực sự của trang trại, người chăn nuôi cần phải chú ý đến các thị trường sau:
- Cung cấp giống
- Sức tiêu thụ thịt của hệ thống nhà hàng, khách sạn
- Sức tiêu thụ của dân cư trong vùng và vùng lân cận
- Khả năng bao tiêu sản phẩm của một số công ty họat động chuyên ngành
- Giết mổ và chế biến công nghiệp
Trước khi bắt tay vào chăn nuôi lợn rừng, người chăn nuôi cần xác định rõ cho mình kế hoạch sản xuất của trang trại là gì?
- Chỉ cung cấp giống
- Chỉ cung cấp thịt
- Chỉ cung cấp lợn nái
- Chỉ cung cấp lợn hậu bị vỗ béo
- Kết hợp tất cả ác mục tiêu trên hoặc từng cặp mục tiêu
Sau khi xác định mục tiêu kinh doanh của mình, người chăn nuôi mới lên kế hoạch cụ thể cho công tác xây dựng trang trại của mình.
Tùy theo khả năng của từng người chăn nuôi mà xác định mục tiêu chăn nuôi lợn rừng. Song khả năng thành công cao nhất là tự sản xuất, lưu thông sản phẩm tươi sống, liên doanh hoặc tự tổ chức chế biến đóng gói đa dạng sản phẩm chế biến và cung cấp sản phẩm qua các hệ thống đa dạng về bán lẻ, bán buôn, siêu thị, nhà hàng, khách sạn và tiến tới xuất khẩu.
Hình thức sản xuất này cho phép người chăn nuôi thu được lợi nhuận cao nhất, giảm thiểu khả năng rủi ro khi thị trường giống bão hòa, thị trường thịt sống giảm giá…trong khi tiềm năng xuất khẩu lớn, công nghệ khép kín thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này đòi hỏi mức đầu tư lớn, yêu cầu cao về khả năng quản lý trang trại, công ty và khả năng nắm bắt và vận hành thị trường.
3. Chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng
Phải có điều kiện hạ tầng cơ sở như đất đai, chuồng trại vì điều kiện chăn nuôi lợn rừng cần gần giống như điều kiện tự nhiên. Khả năng chuẩn bị nguồn vốn phải dài và ổn định vì nuôi lợn rừng phải mất 14-15 tháng mới có sản phẩm bán giống hoặc bán thịt từ cặp bố mẹ đầu tiên.
Không nên nuôi lợn rừng nếu chưa có đủ các cơ sở hạ tầng như: đất, nước, chuồng trại, nguồn thức ăn chủ động, vốn lưu động.
- Đất.
Thường thì mỗi con lợn rừng cần tối thiểu 20m2 để sinh sống, nuôi lợn rừng hiện cũng đang được nuoi theo rất nhiều kiểu chuồng trại nhưng lợn rừng ưa thích kiểu chuồng trại bán tự nhiên, càng gần với tự nhiên càng tốt nên việc nuôi nhốt trong các gian chuồng chật hẹp như lợn nhà là không phù hợp. Điều này làm người chăn nuôi chú ý đến diện tích đất dành cho chăn nuôi mình có.
Người chăn nuôi có thể tham khảo quy mô sau: 4m2 sàn nghỉ/con + 1m2 bể ăn, nước uống + 2m2nơi đầm mình, tắm + 20m2 vườn thức ăn xanh, tức tối thiểu diện tích đất trung bình để nuôi mỗi con lợn rừng là 27m2.Nuôi tối thiểu 10 con cần 270m2 + 100m2 dự phòng cho việc tăng đàn thì tối thiểu diện tích của khu nuôi lợn rừng phải là 370m2.
Người chăn nuôi có thể căn cứ như vậy để hoạch toán khả năng của mình nuôi được bao nhiêu con lợn rừng để xác định các bước đầu tư tiếp theo.
- Nước.
Nước là yếu tố cần được chú trọng vì lợn rừng là loài không chịu được nóng. Chúng
dùng nước chủ yếu không phải cho việc uống mà là tắm và đầm mình, thậm chí còn để bơi lội và các vận động ưa thích khác của chúng khi ở dưới nước.
- Chuồng trại.
Dù chăn nuô lợn rừng không tốn kém lắm về thiết bị chuồng trại nhưng nếu chưa nghiên cứu, tìm hiểu xong về trang trại phù hợp, chưa xây dựng và quy hoạch khu nuôi từng loại lợn nái, lợn hậu bị và lợn đực giống xong thì không nên đưa lợn rừng về nuôi.
- Nguồn thức ăn xanh.
Chủ động được nguồn thức ăn xanh là yếu tố rất cơ bản góp phần tạo nên thành công trong chăn nuôi lợn rừng. Thức ăn luôn chiếm 70-80% đầu tư cho chăn nuôi, việc tận dụng được thức ăn xanh sẵn có trong trang trại hoặc quanh trang trại là điều cực kỳ quan trọng. Điều này không những đáp ứng nhu cầu ăn rau xanh là chủ yếu của lợn rừng mà còn giảm chi phí rất đáng kể, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Nguồn thức ăn xanh nên phong phú và được trồng ngay trong trang trại là tốt nhất. Khi chủ động được nguồn thức ăn hẵng nuôi lợn rừng vì không thể nuôi lợn rừng bằng cám công nghiệp(giá trị thịt lợn sẽ nhanh chóng giống hệt lợn nhà và không còn thị trường hấp dẫn, giá thành lại cao, lợi nhuân thấp xuống), lợn rừng cũng không thích ăn, chúng dễ bị rối loạn tiêu hóa do không quen thức ăn công nghiệp. Hơn nữa, việc phủ xanh trang trại cũng rất cần thiết cho việc làm mát và thỏa mãn nhiều tập tính trong tìm kiếm thức ăn, bạn tình, sinh sản và nuôi con của lợn rừng.
- Vốn lưu động.
Khi mua một cặp giống lợn rừng với giá 2-3 triệu đồng/cặp thì phải chờ đến 7=8 tháng mới có thể cho lứa sinh sản đầu tiên. Khoảng 6-7 tháng sau mới có sản phẩm bán giống hoặc bán thịt.
Như vậy, khoảng 15 tháng đầu khi chăn nuôi lợn rừng là không có nguồn thu. Vì vậy, nếu không chủ động nguồn vốn thì người chăn nuôi sẽ dễ chán nản và chăm sóc có thể không chu đáo cho đàn lợn rừng của mình.
Thường thì ước tính chi phí trung bình cho mỗi lợn con từ sơ sinh đến lúc khai thác thịt (6-7 tháng) là:
- Tiền thức ăn: 564.900đ/con/7 tháng tức 80.700đ/con/tháng
+ Cám gạo: 3.200đ x 0,5kg/ngày x 210 ngày= 336.000đ
+ Tiền thức ăn xanh (các loại phụ phẩm nông nghiệp, hạt, củ, quả…):
1000đ/kg x 0,7kg/ngày x 210 ngày = 147.000đ
- Tiền cỏ: 300đ/kg x 1,3kg/ngày x 210 ngày= 81.900đ
- Tiền nhân công: 1.365.000đ/con/7 tháng tức 195.000đ/tháng.
+ Nhân công quét dọn, cho ăn, chăm sóc: 3000đ/con/ngày x 210 ngày= 630.000đ (Tức cứ 10 con cần 1 nhân công quét dọn với giá thành công nhật trung bình là 30.000đ/ngày)
+ Nhân công bảo vệ đêm, ngày: 2500đ/con/ngày x 210 ngày = 525.000đ
(Tức cứ 10 con cần 1 nhân công bảo vệ với giá thành công nhật trung bình là 25.000đ/ngày)
+ Kỹ thuật viên thú y: 1000đ/con/ngày x 210 ngày= 210.000đ
(Tức lương kỹ thuật viên thú y trung bình 300.000đ/tháng, tính với mức mỗi kỹ thuật viên thú y chăm sóc 10 con)
- Tiền thuốc thú y: 42.000đ/con/ngày/7 tháng tức 6.000đ/con/ngày, ước tính trung bình 200đ/con/ngày x 210 ngày= 42.000đ
- Phí dự phòng: 105.000đ/con/7 tháng tức 15.000đ/con/tháng, ước tính 500đ/con/ngày x 210 ngày= 105.000đ
- Khấu hao chuồng trại: 21.000đ/con/7 tháng tức 3.000đ/con/tháng, ước tính 100đ/con/ngày x 210 ngày= 21.000đ
- Tiền nước sạch: 21.000đ/con/7 tháng tức 3.000đ/con/tháng, ước tính 100đ/con/ngày x 210 ngày= 21.000đ
Như vậy, mỗi con lợn rừng từ lúc sơ sinh đến khi có thể khai thác phải tiêu tốn trung bình 2.118.900đ. Hay nói cách khác nuôi mỗi con lợn rừng tính trung bình mỗi tháng tiêu tốn 302.700đ.
Mỗi trang trại nếu nuôi khoảng 10 con thì trong 7 tháng đầu đã phải chuẩn bị 21.189.000đ.
Cộng với số tiền nuôi 5 tháng đầu cặp giống bố mẹ (đã trừ 2 tháng tuổi lúc mới mua giống về) là 1.513.500d/con/5 tháng x 2 con =3.027.000đ.
Vậy tổng cộng tối thiểu 12 tháng đầu tiên khởi nghiệp nuôi lợn rừng với từ chỉ 1 cặp lợn rừng bố mẹ thì đã phải chuẩn bị 24.216.000đ, chưa kể đến các yếu tố như: giá thức ăn xanh, giá cám gạo, cám ngô tăng; giá nhân công tăng; lợn bố mẹ không cho thụ thai lần đầu ở 7 tháng tuổi; lợn bị rối loạn tiêu hóa, stress…khi thay đổi chỗ ở, các yếu tố bất ngờ khác.
Vì vậy, người chăn nuoi phải cân nhắc thật kỹ, cân đối lại ví dụ chi phí trên như có thể bỏ phần lương công nhân chăm sóc, tiền thức ăn…để giảm thiểu chi phí. Trên cơ sở này, tính toán số vốn lưu động cần thiết cho hoàn cảnh và dự định quy mô chăn nuôi của mình.
4. Hiểu biết về các đặc điểm sinh học cơ bản của lợn rừng.
Lợn rừng là loài vẫn còn mang rất nhiều tập tính trong cuộc hoang dã của nó. Nếu hiểu biết không đầy đủ các đặc điểm sinh học cơ bản, các tập tính khá mạnh mẽ trong sinh họa, tìm kiếm thức ăn và sinh sản của chúng thì người chăn nuôi dễ chăn nuôi kiểu biến lợn rừng thành lợn nhà, đánh mất thương hiệu thị trường, chăn nuoi kém hiệu quả, gây lãng phí chi phí và làm tụt giảm lợi nhuận.
5. Nắm vững các kỹ thuật cơ bản chăn nuôi lợn rừng.
Lợn rừng là loài mới được nuôi dưỡng ở Việt Nam. Kể cả các trang trại đang chăn nuôi lợn rừng ở nước ta cũng còn đang vừa triển khai chăn nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm từ kiểu cách trang trại đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
Do đó để chăn nuôi lợn rừng thành công, người chăn nuôi cần học hỏi, tham quan và thấu đáo các kỹ thuật cơ bản nhất trong nuôi dưỡng và khai thác lợn rừng.
6. Đầu tư thời gian.
Người chăn nuôi cần phải đầu tư thời gian gần gũi liên tục đàn lợn rừng của mình để kịp thời phát hiện và điều chỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp. Không giao phí nay người này mai người khác chăm sóc lợn rừng vì lợn rừng rất nhạy cảm, luôn cảnh giác với các yếu tố ngoại cảnh thay đổi. Khi thay đổi nhiều về môi trường dễ gây cho lợn rừng bị stress và chậm lớn.
Mặt khác, người chăn nuôi cũng phải luôn dành thời gian cho công tác quan sát, khảo sát thị trường đầu vào và đầu ra cho lợn rừng. Từ đó có căn cứ để hạch toán và lên kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
7. Lựa chọn tư vấn kỹ thuật.
Người chăn nuôi nên có một tư vấn kỹ thuật riêng cho trang trại chăn nuôi lợn rừng của mình. Đặc biệt là khâu chọn giống và nhân giống lợn rừng nhất là trong giai đoạn chưa có hệ thống cung cấp giống lợn rừng chính thức được công nhận như hiện nay. 
Nguồn: thuvien.mard.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình