Hiện nay có khá nhiều kiểu chuồng nuôi lợn rừng, có thể tạm gọi gồm ba kiểu chuồng sau: kiểu chuồng tự nhiên, kiểu chuồng thâm canh, kiểu chuồng kết hợp.
Kiểu chuồng tự nhiên là kiểu chuồng tạo môi trường sống gần với tự nhiên nhất và được lợn rừng ưa thích nhất. Kiểu chuồng này phải được xây dựng nơi kín đáo, có rừng và đầy đủ các yếu tố đáp ứng các tập tính cơ bản về ăn uống, vận động và sinh sản của lợn rừng.
Kiểu chuồng thâm canh là kiểu chuồng nuôi nhốt rộng hơn nhiều so với các kiểu chuồng lợn nhà nhưng lại nhỏ hơn và ít gần với tự nhiên hơn so với kiểu chuồng tự nhiên. Kiểu chuồng này tuy có phải đầu tư về vật liệu chuồng trại nhiều hơn nhưng giúp người chăn nuôi tăng khả năng kiểm soát, quản lý trang trại của mình. Song kiểu chuồng này đòi hỏi sự thích nghi dần dần của lợn rừng.
Kiểu chuồng kết hợp là kiểu chuồng nuôi lợn rừng bán thâm canh, kết hợp với nhiều loại vật nuôi khác. Kiểu chuồng này tuy khá gần gũi với tự nhiên nhưng đòi hỏi quỹ đất rộng, địa hình đẹp, thuận lợi đi lại, có nhiều địa hình trong khuôn viên trang trại, đầu tư lớn, quản lý phức tạp, sự thích nghi dần dần của lợn rừng đối với nhiều loài vật nuôi. Tuy nhiên, với kiểu chuồng này thì người chănnuôi thu được nhiều nguồn lợi nhuận như nguồn lợi từ nuôi lợn rừng và các vật nuôi khác như hươu, nai, khỉ, gấu, chim…du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Dù xây chuồng trại cho lợn rừng theo kiểu nào thì cũng tuân theo các nguyên tác chung sau: kín đáo, chắc chắn; mát, thoáng,có nơi cho lợn vùi mình để nghỉ ngơi (thường là các đầm lầy nhỏ); cần thiết kế chuồng riêng cho lợn rừng đực giống, lợn rừng mẹ đẻ và nuôi con theo quy mô đảm bảo mức tối thiểu như sau:
+ Lợn nái, lợn hậu bị: 20-30m2/4-5 con (nhà che 8-15m2).
+ Lợn nái đẻ, nuôi con: 5-10m2/ổ
+ Lợn đực giống: 40-50m2/con (nhà che 5-10m2/)
Các nguyên tắc này đảm bảo vô hiệu hóa khả năng đào hầm, việc sử dụng răng nanh, khả năng bơi, chạy nhanh…để trốn thoát của lợn rừng đồng thời cũng đảm bảo cho các tập tính nghỉ ngơi, kiếm ăn và sinh sản thuận lợi cho lợn rừng.
|