Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Xin cho biết phương pháp chữa các bệnh thông thường ở lợn rừng?
Đối với bệnh tiêu chảy:
Khi phát hiện lợn bị tiêu chảy, người chăn nuôi tăng tỷ lệ cỏ, thức ăn xanh và bổ sung thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa….trong khẩu phần thức ăn xanh của lợn, đồng thời cho thuốc trị tiêu chảy vào thành phần cám gạo. Nếu tình trạng tiêu chảy bị nặng ta chích thuốc đặc trị. Đề phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng…
Bệnh phân trắng ở lợn con:
Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần chú ý chăm sóc lợn mẹ đầy đủ dinh dưỡng ở giai đoạn có thai và nuôi con. Chuồng nuôi lợn con cần khô ráo, tránh gió lùa, mưa tạt và phải có sân vận động không trơn trượt. Cố gắng cho lợn con bú được sữa đầu sớm nhất. Sớm bổ sung thức ăn cho lợn con, đồng thời tiêm thuốc bổ sắt (Dextran sắt) cho lợn con. Đối với lợn mẹ cần tiêm Autovacxin trước 1-2 tuần trước khi đẻ hay cho lợn mẹ uống 3-4 lần sau khi đẻ.
Khi lợn đã mắc bệnh, dùng ngay các thuốc đặc trị tiêu chảy như Neomyxin, Antidia, Becberin, nước sắc các loại lá, quả chát như hồng xiêm, lá sim, lá ổi….Đồng thời giữ ấm và khô ráo chuồng.
Bệnh giun đũa:
Cần tầy giun cho lợn rừng định kỳ 4 tháng/lần. Song đối với lợn mang thai và nuôi con thì lại không nên tẩy vì thuốc tẩy giun khá độc. Triệt để vệ sinh chuồng trại để hạn chế mầm bệnh cho lợn, ủ phân để diệt trứng giun, ngăn ngừa sự phát tán mầm bệnh ra ngoài. Vệ sinh thức ăn cho lợn rừng, không dùng phân tươi để bón cho cây thức ăn thô xanh trồng trong trang tại làm thức ăn cho lợn rừng.
Bệnh được điều trị bằng các loại thuốc như Phenithiazin, Tetramisol, Levanmisol, Piperazin Adipinat….đạt hiệu quả tẩy sạch giun từ 70%-100%.
Bệnh lở mồm long móng:
Tiêm vacxin theo hướng dẫn của thú y; không vận chuyển, xuất nhập và mổ thịt lợn bị bệnh; tiêu hủy, chôn lấp kỹ các con bị chết do bệnh; vệ sinh đầy đủ về chuồng trại và môi trường xung quanh. Dung dịch anolit, ozon dùng để vệ sinh, sát trùng chuồng trại cho hiệu quả cao.; phân rác, nước tiểu và các chất bài xuất của lợn bệnh phải đốt và quét vôi toàn bộ chuồng trại.
Các vết loét nên dùng nước sắc đặc của các loại lá chua chát, đắng để bôi như  nước sắc đặc lá ổi, lá khế, quả chanh xát trực tiếp…hoặc một số dung dịch sát trùng như  thuốc tím 0,1%, cồn iốt 5%....
Để tránh sự xâm nhập của các loại vi trùng khác vào vết lở loét trên cơ thể lợn bệnh, có thể tiêm một số loại kháng sinh như Peniciline, Streptomycin….theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Các biện pháp phòng chống bệnh thông dụng cho lợn rừng?
Nghiên cứu nguồn gốc và lý lịch y bạ lợn rừng thật kỹ lưỡng: người chăn nuôi phải nắm chắc lý lịch và khả năng sản xuất của từng con trong trang trại của mình. Đặc biệt các cặp bố mẹ làm giống, cần phải chắc chắn chúng được lai pha bao nhiêu máu lợn rừng? Lợn nái địa phương đem lai để tạo con lai là giống lợn nào?...Việc quản lý nguồn gốc không những giúp người chăn nuôi tổ chức ghép đôi giao phối thành công trong công tác nhân giống mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm nguồn gốc các bệnh và khả năng lây lan tạo dịch đối với các con gần dòng giống nhau.
Trại nuôi cần xây mới và không nuôi chung với lợn nhà: Lợn nhà gần gũi với lợn rừng về mặt di truyền, về phương thức sống, các đặc điểm sinh lý sinh hóa cơ bản nên rất dễ lây bệnh cho lợn rừng và ngược lại. Vì vậy, tuyệt đối không tận dụng lại chuồng trại của lợn nhà và nuôi lợn rừng chung, nuôi gần với lợn nhà.
Tẩy giun sán định kỳ: Lợn rừng có tập tính kiếm ăn khá giỏi, chúng có thể dùi, đào để ăn các côn trùng dưới đất và phương thức sử dụng thức ăn của chúng chủ yếu là ăn tươi nên cũng dễ bị nhiễm giun. Việc tẩy giun sán định kỳ cho lợn rừng giúp chúng hay ăn, chóng lớn, phát dục nhanh.
Phát hiện bệnh sớm và thực hiện cách ly: Bằng quan sát kỹ từng cá thể hàng ngày sẽ giúp người chăn nuôi phát hiện được thể trạng của từng con. Bệnh càng được phát hiện sớm càng có khả năng chữa trị nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Dù lợn rừng có tập tính sống bầy đàn mạnh mẽ nhưng khi phát hiện có con ốm cần phải cách ly và điều trị tích cực ngay.
Điều trị bệnh sớm: Khi phát hiện thấy lợn bị bệnh thì dùng thuốc liều cao, sau vài ngày bệnh thuyên giảm thì có thể hạ liều để kích thích cơ thể họat động tạo miễn dịch và ít gây độc cho cơ thể. Đồng thời phải bồi dưỡng lợn bệnh chu đáo để tăng sức chịu đựng của cơ thể với thuốc và tăng cường sức đề kháng đối với mầm bệnh. Khi cần thiết phải dùng thủ thuật mớm thức ăn cho lợn và chú ý cho lợn rừng uống nước. Nói chung phải tích cực, kịp thời và nhanh chóng dập bệnh cho lợn, cố gắng không để bệnh tái diễn hoặc tiến triển.
Tích cực tiêu độc: Cần chú ý tẩy uế chuồng trại, tiêu hủy bệnh phẩm do lợn bệnh bài tiết hàng ngày. Biện pháp này nhằm ngăn cản mầm bệnh không xâm nhập từ môi trường ngoài vào cơ thể  và cũng cắt đứt nguồn lây nhiễm vào những lợn lành mạnh khác.
Tiêm phòng: Lợn rừng vốn có sức đề kháng cao nhưng cũng nên gần gũi với chúng để có điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng định kỳ các loại bệnh thường xuất hiện trên loài lợn nói chung.
Các biện pháp với lợn mới mua về: Tuyệt đối không nhập đàn ngay các con lợn mới mua về. Cần cách ly chúng cho dù là lợn hậu bị, lợn con hay lợn đực giống, lợn nái…Phải nuôi tân đáo để kiểm tra mức thích nghi, tình hình sức khỏe và đảm bảo an toàn không có mầm bệnh ủ tiềm ẩn. Thời gian cách ly thường là 30-60 ngày.
Vệ sinh nguồn nước: Lợn rừng vốn rất thích nước và tiếp xúc nhiều lần với nước trong ngày như uống tắm, đầm mình. Vì vậy, nếu nguồn nước trong trang trại bị ô nhiễm sẽ nhanh chóng xâm nhập dễ dàng vào bầy lợn. Để vệ sinh được nguồn nước nuôi lợn rừng, người chăn nuôi phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nước ngay từ khi thiết kế trang trại. Cần có bể chứa nước dự  trữ, bể lắng, lọc phù sa, phèn và sát trùng định kỳ. Các thiết bị chứa nước cần định kỳ dọn, rửa, loại bỏ cáu bẩn, rong rêu. Chú ý kiểm tra độ nhiễm phèn, nhiễm nước mặn, nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nhiễm khuẩn….để có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp.
Vệ sinh thức ăn: Thức ăn cũng là nguồn lây nhiễm mầm bệnh hoặc chứa mầm bệnh. Các loại thức ăn giàu đạm thường dễ bị phân hủy do nhiệt độ, độ ẩm….và phóng thích khí ammoniac làm cho thức ăn trở nên độc, ít dưỡng chất và chứa nhiều vi sinh vật có hại, dễ gây rối loạn tiêu hóa cho lợn rừng.
Các loại thức ăn chứa nhiều dầu, lipit thì dễ bị oxy hóa, ôi dầu, đóng vón khi tồn trữ lâu dài làm cho lợn không thích ăn và nếu có ăn cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt là sự phát triển các loại nấm mốc có trong các loại thức ăn dễ gây ngộ độc cho lợn. Sâu bọ, mọt, côn trùng thường phát triển trong những loại thức ăn dự trữ bằng phơi, sấy khô lâu ngày làm cho thức ăn kém phẩm chất. Các chất bài tiết của các sâu bọ này còn gây dị ứng cho lợn khi ăn hoặc tiếp xúc với chúng.
Vì vậy, kho chứa thức ăn nuôi lợn rừng phải thông thoáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, phải định kỳ sát trùng, thanh lý các lô hàng tồn trữ lâu, hư mốc, đóng vón và phải có các biện pháp chống mối mọt, chuột, côn trùng phá hại. Không dự trữ thức ăn khô quá 1 tháng, dự trữ nguyên liệu kể cả ở dạng khô và tươi quá 3 tháng. Thức ăn dư thừa phải san bớt kịp thời cho những ô chuồng còn thiếu tránh để lâu hư hỏng. Các thiết bị chứa thức ăn được định kỳ sát trùng, tẩy uế tránh tình trạng đọng thức ăn cũ hư mốc, giòi, bọ phát triển. Thức ăn xanh cần rửa sạch, loại bỏ tạp chất trước khi cho ăn để hạn chế sự tái nhiễm vi sinh vật có hại và ký sinh trùng khi dùng cho lợn ăn.
Sát trùng chuồng trại: Sát trùng chuồng trại là việc nhằm làm giảm mật độ vi sinh vật có hại trong chuồng nuôi, không cho chúng phát triển đến mứccó thể gây thành bệnh cho lợn nuôi. Việc định kỳ sát trùng chuồng trại trên quy mô lớn, triệt để, giúp cho môi trường chăn nuôi sạch sẽ, rất ít vi sinh vật có hại, nhờ đó sức khỏe lợn nuôi tốt hơn, tăng trưởng tốt, ít bệnh, ít tốn thuốc thú y, năng suất cao nên đem lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi.
Các loại thuốc sát trùng thông dụng, hiệu quả và rẻ tiền hiện nay đều có thể sử dụng ở trang trại lợn rừng như nước Javel, xút (NaOH), vôi bột (CaO), nước vôi trong 10-20%, nước ozon…Các loại nước sát trùng này thường được dùng để quét lên toàn bộ nền, tường, máng ăn, máng uống, ổ úm…nhưng không dùng để sát trùng các thiết bị bằng kim loại bởi tính ăn mòn của xút, Javel…
Khai thông cống rãnh quanh khu chuồng và trang trại, tránh ứ đọng tạo môi trường cho ruồi muỗi phát triển. Dù lợn rừng thích ẩn nấp ban ngày vào những lùm cây bụi nhưng chỉ nên để các bụi cỏ chăn thả hoặc các bụi cây nhỏ thưa nhau ở rải rác trong trang trại và ở những nơi khô ráo để tránh cỏ, lau lách mọc um tùm tạo nơi trú ẩn cho rắn rết, bọ cap…dễ gây chết cấp tính cho lợn, đặc biệt là lợn con.
Nơi ra vào chuồng cần có bể, hộc chứa thuốc sát trùng để người ra vào dẫm lên sát trùng giày dép, nhằm ngăn chặn các mầm bệnh có thể lây lan.
Vệ sinh nhân lực: Người cũng là phương tiện trung gian truyền bệnh hoặc mang trùng. Một số bệnh có thể lây truyền từ người sang lợn hoặc từ lợn sang người như bệnh cúm, ghẻ sacroptes, vi nấm, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn….Vì vậy cần định kỳ khám sức khỏe, thử huyết thanh cho những người thường xuyên gần gũi chăm sóc lợn rừng. Chăn nuôi lợn rừng chỉ nên ít người chăm sóc, qua lại vì lợn rừng thích yên tĩnh và những người chăm sóc thì nên cố gắng thân thiện với chúng đểchăm sóc hiệu quả.
Cần có trang bị bảo hộ lao động cho người chăm sóc như quấn áo, giày ủng, mũ, khẩu trang, mắt kính 0oC. Khách thăm trại phải đi qua nơi sát trùng, có trang phục, quần áo, giày ủng riêng trước khi vào trại.
Vệ sinh dụng cụ trang bị: Mỗi dãy, khu chuồng cần có vật dụng nuôi dưỡng, chăm sóc riêng biệt, không được sử dụng chung với những dãy chuồng khác. Những vật dụng này phải cọ rửa, làm vệ sinh hàng ngày. Các loại dụng cụ thú y cũng phải trang bị riêng cho từng khu chuồng và sát trùng kỹ lưỡng trước và sau khi dùng.
Nguồn: thuvien.mard.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình