Trồng chuối tuy đơn giản nhưng cũng cần phải chú ý những vấn đề sau đây:
Chọn cây con: cây cao trung bình 0,6 - 1 m, đã có trên dưới 10 lá, tốt nhất là dạng đuôi chiên. Lá thật trên cùng đang sắp xoè ra (đang loa kèn). Cây con được gọt sạch rễ, cắt bớt lá trước khi đem trồng. Khi gọt sạch rễ không làm sây sát thân ngầm. Kinh nghiệm bà con là cắt sạch các mầm trên của cây con thì cây mau hồi sinh hơn (có thể do dinh dưỡng được tập trung cho rễ phát triển chứ không tập trung cho cây nảy mầm).
Đào hố trồng chuối không cần to lắm. ở đất phù sa chỉ cần đào hố rộng hơn đường kính thân ngầm về mọi phía 10 cm là được. Ở vùng đất chặt, đất bí, đất bồi… có thể đào hố rộng hơn. Đường kính hố 0,4 - 0,5 m, đổ rác, mùn và phân chuồng lót rồi lấp đất một lớp mới đặt cây chuối lên.
Đặt cây con phải nhẹ nhàng, không nặng tay, nếu ta dỗ mạnh gốc cây con xuống đất, điểm sinh trưởng dễ bị đè ép, ảnh hưởng đến tốc độ hồi sinh, có khi còn thối hỏng (nhân dân ta gọi là chuối bị “tức đẻ mà chết”).
Lấp đất kín trên thân ngầm 5 - 6 cm là vừa, tránh lấp quá sâu cây sẽ chậm đẻ chồi, nhưng cũng không nên trồng nông quá, cây dễ bị đổ, vườn chuối chóng tàn vì thân ngầm lộ cao trên mặt đất.
Một khâu quan trọng để nâng cao tỉ lệ sống, cây mau hồi sinh là phải nện chặt gốc cây để cây không bị gió lay lắt, làm đổ cây, đứt rễ non, tạo cho cây được tiếp xúc chặt chẽ với đất nên ra rễ được thuận lợi. Chú ý lèn cho đất chặt, nhưng không nên lèn đất ép chặt vào thân giả dễ làm cho bẹ của thân giả bị ép chặt, điểm sinh trưởng không phát triển lên được. Ta nên lèn đất theo chiều song song với thân giả hoặc dùng chân giậm chặt rồi tưới nước (nếu đất khô).
|