Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết thời gian thu hoạch, cách thu hoạch và cách bảo quản, tồn trữ trái cam, quýt như thế nào để trái có chất lượng cao, bảo quản, tồn trữ được lâu?
Tuỳ theo cây giống được tạo ra từ phương pháp nào (gieo bằng hạt, chiết, ghép), tuỳ theo giống, kĩ thuật canh tác, điều kiện môi trường sống của cây… mà sau khi trồng khoảng 2-4 năm cây cam, quýt có thể cho thu hoạch trái. Tuỳ theo giống, tuổi cây,tình trạng sinh trưởng của cây tốt hay xấu, cách neo trái… mà từ khi ra bông đậu trái cho đến khi thu hoạch vào khoảng 7-8 tháng.
Trái được xác định là chín khi có 25-50% diện tích vỏ trái chuyển màu vàng, nếu phân tích sinh hoá thì tỉ lệ độ Brix với hàm lượng axit trong trái thay đổi từ 7/1-10/1. Hàm lượng dịch trái chiếm khoảng 50% trọng lượng trái.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì:
Quýt đường, nếu dùng cho ăn tươi thì nên thu hái trái vào thời điểm khoảng 221-227 ngày sau khi đậu trái. Lúc này biểu hiện bên ngoài vỏ trái căng, mỏng, hơi bóng, đã chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng; phần vỏ nơi cuống trái hơi phồng lên, dễ dàng tách khỏi thịt trái; chính giữa đáy trái hơi lõm vào; vị ngọt hơi chua thanh, không có hậu đắng. Nếu thu hái khi trái còn xanh, khi ăn vị sẽ chua và hậu đắng sau khi ăn. Nếu thu hái trễ(neo trái), trọng lượng trái sẽ giảm, khi trái khô, vỏ trái chuyển sang vàng, hương vị không còn đậm đà, ăn lạt.
Cam sành, nếu dùng để ăn tươi thì nên thu trái vào khoảng 212-221 ngày sau khi đậu trái, Biểu hiện bên ngoài của trái lúc này là: vỏ có màu xanh bóng, hơi vàng nhạt, dễ dàng tách khỏi thịt trái. Phần vỏ xốp có màu hơi vàng. Chính giữa đáy trái xuất hiện đốm tròn ( đường kính khoảng 1,5-2cm ). Vị chua ngọt hài hoà. Nếu thu hái khi trái còn xanh, vỏ trái có màu xanh đậm, vị chua gắt, có hậu đắng.
Khi  trái đạt tới độ thu hoạch thì nên thu hoạch vào khoảng 8giờ sáng đến 3 giờ chiều, vì lúc này sương đã khô và trái mất độ trương, do đó giảm được sự tổn thương các tế bào chứa tinh dầu ở vỏ dễ tạo những vết bầm trên trái sau khi thu hoạch. Không nên thu hái trái vào lúc sau mưa, hoặc khi có sương mù nhiều, vì dễ gây thối trái khi tồn trữ vận chuyển. Ngược lại cũng không nên thu hái trái vào lúc trời nắng gắt, vì lúc này những tế bào chứa tinh dầu trên vỏ trái căng mọng bị vỡ.
Khi thu hái trái không nên bẻ hái dứt mạnh tay. Phải dùng dao sắc hoặc kéo nhẹ nhàng cắt cuống trái để tránh bị bầm dập. Sau khi hái nhẹ nhàng đặt trái vào giỏ hay sọt tre có lót lá khô hoặc giấy xung quanh để tránh làm vỏ trái bị bầm dập, xây xát. Để trái nơi thoáng mát, lau sạch vỏ và phân loại. Nếu phải vận chuyển đi xa nên cắt bớt cuống trái và lá trên cuống trái để giảm xây xát và héo trái do lá bốc hơi nước nhiều.
Nếu để trong điều kiện tự nhiên thì thời gian tồn trữ thường rất ngắn chỉ được vài ba ngày, thời gian này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào giống cam, quýt, độ chín khi thu hái, tình trạng sinh trưởng tốt xấu của cây… cách này chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nếu muốn thời gian tồn trữ kéo dài để phục vụ cho việc xuất khẩu đi xa thì trái phải được tồn trữ trong điều kiện lạnh. Qua nghiên cứu, các nhà chuyên môn cho thấy, trái cam, quýt nếu được tồn trữ, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 5-100C, độ ẩm tương đối của không khí khoảng 85-92% thì thời gian tồn trữ có thể kéo dài 4-6 tuần lễ.
Ở một số nơi của miền Bắc, để bảo quản trái cam sành được lâu, bà con thường có kinh nghiệm là thu hái trái vừa đúng độ chín (không để trái chín quá) cắt sát cuống, lau sạch sau đó dùng vôi ướt (vôi ăn trầu) bôi vào vết cắt trên cuống trái, rồi vùi trái thành từng lớp trong cát sạch, hơi ẩm, cách này có thể bảo quản trái hàng tháng (trong điều kiện nhiệt độ của mùa đông- xuân). Cách làm này cũng chỉ áp dụng nhỏ lẻ trong từng gia đình với lượng cam không nhiều.
Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình