Đất là nền để cây mọc, là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng nuôi cây.
Đất gồm mùn, cát, bụi, sét, nước. Các thành phần này phải cân đối. Nếu có quá nhiều cát, bụi thì cây dễ chết khô khi thiếu nước và thiếu thức ăn. Nếu đất nhiều sét thì khó cày bừa. Khi bị khô trên mặt thì làm thành một màng cứng, mầm cây khó mọc xuyên qua...
Thành phần quan trọng nhất của đất là mùn. Mùn của đất được hình thành nhờ sự tác dụng của các vi sinh vật trong đất, chúng biến các rễ chết, lá rụng... thành thức ăn cho cây. Mùn như một chất hồ gắn các thành phần của đất, tạo kết cấu xốp để thấm và giữ nước, dễ cày bừa. Ngược lại, nếu ít mùn đất sẽ chặt, khó cày bừa, chứa ít không khí, thấm nước kém, dễ mất nước và bốc hơi nhanh.
Ngoài mùn ra, nước đóng một vai trò quan trọng trong đất. Nước là môi trường để tiến hành các phản ứng hóa học trong đất, ngoài việc hòa tan các chất dinh dưỡng giảm độ độc do muối mặn và muối chua, nước cần cho quá trình khoáng hóa các chất hữu cơ, kho dự trữ thức ăn của cây trồng...
Đất tốt là đất có độ phì nhiêu cao, tức là có khả năng cung cấp cho cây trồng một số lượng cần thiết nước và các chất dinh dưỡng, đồng thời không được chứa các chất có hại cho cây trồng.
Đất tốt là đất có độ thông khí cao (độ xốp), để duy trì sự hô hấp cho rễ cây và các vi sinh vật sống trong đất.
Đất tốt là phải có độ pH phù hợp cho sự phát triển của cây trồng.
Như vậy, đất không chỉ làm nền cho cây mọc, cung cấp nước và chất dinh dưỡng. Nó còn là "một vật thể sống", vì đất là môi trường thuận lợi cho các sinh vật và vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Có thể nói: Đất tốt là đất có kết cấu thích hợp, độ ẩm. nhiệt độ và độ pH tối ưu, giầu chất dinh dưỡng và có hoạt động sinh học cao. Ngược với tính chất trên là "đất xấu". Trong thực tế "đất xấu" có thể cải tạo thành đất tốt được.
Không có đất xấu, chỉ có “chủ nhân xấu mà thôi”, “chủ nhân xấu mà thôi” nên hiểu theo nghĩa: thiếu kiến thức và không áp dụng các phương pháp cải tạo đất, trong đó có phương pháp hết sức quan trọng là sử dụng phân bón.
|