Trong sản xuất nấm thường phát sinh một số sâu bệnh, côn trùng, chuột phá hại vào hầu hết các mùa vụ và các giai đoạn phát triển của các loại nấm. Để hạn chế thiệt hại do các nguyên nhân trên chúng ta cần nhận biết, phát hiện sớm các loài sâu bệnh và để ra các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả cao trong sản xuất nuôi trồng nấm.
1. Các loại côn trùng chủ yếu là các loại kiến, gián và chuột phá hại.
Các loài này tập trung phá họat giai đoạn ươm sợi, chúng cắn phá rách các túi (đối với nấm sò), đào bới, ăn hạt giống (đối với nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ). Từ những chỗ đào bới phát sinh những điểm nhiễm (nhiễm nấm mốc, nhiễm khuẩn), gây nên mất mật độ trên đơn vị diện tích nuôi trồng. Trong quá trình nuôi trồng, chúng còn tiếp tục cắn phá nấm làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nấm, chất lượng mẫu mã nấm.
Để hạn chế thiệt hại do côn trùng và chuột hại: cần đánh chuột thường xuyên, liên tục bằng bẫy sập, bả sinh học, khử trùng vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà nuôi trồng n một cách triệt để trước và sau mỗi đợt sản xuất, dùng EM xử lý triệt để theo định kỳ 5-7 ngày một lần toàn bộ nhà lán và xung quanh với nồng độ 1/300-1/500.
2. Các loại nấm mốc, nấm dại, vi khuẩn phá hoại
a. Nấm mực (Coprius): thường xuất hiện giai đoạn ủ nguyên liệu và cấy giống
- Nguyên nhân: Do độ ẩm nguyên liệu quá cao. Loại nấm dại này không gây tác hại lớn nhưng chúng cạnh tranh một phần dinh dưỡng của nấm.
- Phòng chống: Xử lý nguyên liệu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ ẩm. Nếu có nấm mực thì vệ sinh sạch nấm trong giai đoạn nấm chưa nở.
b. Nấm mốc: Thường có các loại nấm mốc màu đen, xanh lơ, trắng vàng, mốc xanh lá cây. Bệnh này phổ biến khi thời tiết ấm. Loại nấm mốc này rất nguy hiểm, nguyên nhân có thể do nguyên liệu bị nhiễm từ trước hoặc nhà xưởng vệ sinh không sạch sẽ, khu vực nuôi ẩm thấp, nhà xưởng đã nuôi trồng nhiều lần, độ pH nguyên liệu không đảm bảo.
Đối với loại nấm mốc này cần loại bỏ những bịch (nấm sò, mộc nhĩ), những u nấm (đối với nấm rơm) và những bãi nhỏ (nấm mỡ), ra xa khỏi khu vực sản xuất để tránh lây lan. Vệ sinh tẩy uế sạch sẽ khu vực nhà lán bằng nước vôi, phun EM định kỳ 5-7 ngày một lần xung quanh nhà lán, hành lang luống nấm với nồng độ 1/300-1/500 (tránh phun trực tiếp vào mô, bịch nấm). Nếu bệnh quá nặng phải ngừng sản xuất một thời gian mới được nuôi trồng.
c. Bệnh thối nhân quả thể: do các nguyên nhân sau
- Nguyên nhân: do độ ẩm nguyên liệu quá cao, trong khi thu hái không vệ sinh sạch chân nấm và những quả nấm con bị chết, do vi khuẩn và tuyến trùng gây nên.
- Phòng trừ: Vệ sinh sạch sẽ chân nấm, sau mỗi đợt thu hoạch dùng vôi bột rắc lên những chỗ bị thối.
d. Bệnh bã đậu (đối với nấm mỡ)
- Nguyên nhân: Thường xuất hiên khi thời tiết ấm, nhiệt độ không khí cao, hiện tượng này thường xảy ra ở những nhà nấm bẩn, độ ẩm cao, không có đủ điều kiện để thông thoáng. Bệnh này gây hại trực tiếo đến sợi nấm và quả thể.
- Phòng chống: Vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ (phun định kỳ EM sau mỗi đợt nuôi trồng n với nồng độ 1/300-1/500). Nhà xưởng phải thông thoáng theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Những nơi bị bã đậu phải khoanh vùng cách ly, hốt toàn bộ vùng bị bã đậu thiêu hủy, dùng nước sôi tưới vùng bã đậu và xung quanh, sau đó phun EM thứ cấp 1/300-1/500 phun trừ hoặc dùng các loại thuốc diệt nấm Validaxin để phun trừ.
c. Bệnh trứng cá do nấm trứng (Scletorium rolfsii) gây nên (bệnh thường gặp ở nấm rơm và nấm mộc nhĩ ở mùn cưa).
Trên mô nấm xuất hiện một đám sợi, mọc thẳng, xù lông sau vài ngày xuất hiện các khuẩn bạch hình cầu màu trắng giống như trứng cá, vài ngày sau chuyển sang màu nâu.
Khi mô nấm bị nhiễm bệnh sớm quả thể nấm sẽ không hình thành được, nếu nhiễm muộn quả thể teo lại và chết. Bệnh trứng cá xuất hiện nhiều trong sản xuất nấm rơm, nấm mộc nhĩ mùn cưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất.
Nguyên nhân: độ ẩm nguyên liệu quá cao, pH môi trường (nl) < 7; nguồn nước tưới không đảm bảo vệ sinh; nhà trồng nấm không đảm bảo sự thông thoáng; nền nhà trồng nấm cũng như khu vực nuôi trồng không được xử lý tốt.
Cách phòng chống: Vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ, phun EM định kỳ 7-10 ngày một lần vào toàn bộ hành lang, những lán sau mỗt đợt sản xuất. Xử lý nguyên liệu đủ ẩm, dùng nước tưới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Khi xuất hiện trứng cá có thể phun Validaxin 3%. Trường hợp quá nặng thì phải loại bỏ xa nơi sản xuất các ụ, bịch nấm bị bệnh.
|