Trong khẩu phần ăn hàng ngày ta cung cấp cho đà điểu đều có sự cân nhắc chọn lựa và tính toán kỹ càng, nhưng đã chắc gì đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của chúng. Đây là điều mà đa số các nhà chăn nuôi đà điểu từ trước đến nay đã đặc biệt quan tâm đến, nhưng mãi đến nay, vẫn chưa có ai đưa ra được một chuẩn mực pha chế thức ăn ra sao cho phù hợp với khẩu phần cho từng lứa tuổi của đà điểu. Vì vậy, từ trước đến gần như mỗi người đều nuôi giống chim này theo kinh nghiệm của riêng mình. Mặc dù thực tế đã cho thấy, nếu được nuôi với khẩu phẩn ăn nhiều bổ dưỡng đà điểu trống sẽ sung sức hơn, hăng hái hơn, khả năng phối giống tốt, và trứng sẽ có nhiều cồ, tỷ lệ trứng nở cao. Và đà điểu mái, nếu thường xuyên được ăn uống no đủ bổ dưỡng sẽ đẻ sai hơn, trứng lớn hơn…
Được biết, hiện nay nhiều chuyên gia của các “Viện nghiên cứu giống đà điểu” của nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục nghiên cứu về việc tạo khẩu phần ăn cho đà điểu, sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cần thiết đối với từng lứa tuổi của chúng. Họ cố tìm cho được một công thức pha trộn tốt nhất để giúp loại chim chạy này sinh sống tốt hơn, sinh sản tốt hơn.
Dù sao việc chăn nuôi đà điểu đối với toàn thế giới vẫn còn là một nghề mới, nên con người vẫn chưa có đủ thời gian và kinh nghiệm để tìm hiểu rõ được cá tính đặc biệt của giống chim này. Chính vì vậy, cách nuôi của chúng ta hiện nay tuy là được rút tỉa qua hơn 150 năm kinh nghiệm trong nghề của nhiều thế hệ nghệ nhân đi trước của nhiều nước, nhưng chắc chắn vẫn chưa đạt được đến mức hoàn hảo. Thậm chí mỗi người gần như có một cách nuôi khác nhau, không mấy ai giống ai.
Điều mà chắc ai ai cũng biết, chính khẩu phần ăn mới đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của đời sống vật nuôi. Khẩu phần ăn càng hợp lý bao nhiêu thì vật nuôi mới sinh trưởng tốt bấy nhiêu. Những vấn đề lớn của việc chăn nuôi đà điểu còn tồn đọng mà nhiều nhà chuyên môn còn thắc mắc là không hiểu do đâu mà đà điểu con lại khó nuôi, chết khá nhiều? Và do đâu mà đà điểu lại đẻ trứng không đều, có con mỗi mùa chỉ đẻ có ba bốn mươi trứng, có con lại đạt đến mức 100 hay 120 trứng. Thậm chí có nhiều con mái nuôi hoài vẫn không đẻ. Phải chăng tất cả chỉ là do khẩu phần ăn mà người chủ nuôi cung cấp cho chúng chưa phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của chúng?
|