Trời sinh đà điểu trống mái đều biết ấp và siêng ấp. Thời trước tại nhiều nước cũng như tại Nam Phi, khi chưa chế được máy ấp nhân tạo, người ta vẫn cho đà điểu tự ấp và nuôi con như cách chúng sinh sản ngoài tự nhiên.
Đà điểu đẻ một lứa trứng, ấp, nuôi con một thời gian, trung bình phải mất ba tháng, trong đó một tháng rưỡi chỉ dành cho việc ấp trứng. Như vậy, mỗi mùa chim mẹ chỉ đẻ tối đa được ba lứa. Biết cho đà điểu tự ấp như vậy không lợi, nhưng do trứng nó quá lớn không thể giờ giống khác ấp vú được, nên dù ít lợi cũng phải cho ấp. Mãi từ năm 1869, khi máy ấp nhân tạo ra đời, nhiều người liền chuyển trứng qua ấp máy, và trong trường hợp đó đà điểu mái chỉ có nhiệm vụ…sản xuất trứng mà thôi.
Do chỉ đẻ mà không ấp nên trong mùa sinh sản hàng năm chúng đẻ được nhiều lứa hơn, mỗi lứa sai trứng hơn…và không bị mất sức nhiều.
Trứng ấp máy, nếu điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ đúng kỹ thuật, tỷ lệ trứng nở sẽ rất cao, và chim sơ sinh ra đời sẽ khỏe mạnh hơn là để trứng tại ổ cho mẹ chúng tự ấp. Đà điểu mái trong suốt thời gian một tháng rưỡi nằm ấp trong ổ, ít có thời giờ để ra ngoài ăn uống nên sau mùa sinh sản nó sụt khoảng 10kg. Sự suy kiệt sức lực này, phải mất một thời gian dài mới mong hồi lại được.
|