Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Vài năm gần đây lúa thường bị bệnh lem lép hạt lúa gây hại nhiều, nhất là vụ lúa Hè -Thu làm cho năng suất lúa bị giảm khá nhiều, đã thế mã lúa lại xấu, bán rất mất giá. Xin được nói rõ về căn bệnh này và xin cho biết có biện pháp nào có thể phòng trị chúng một cách hữu hiệu?
Lem lép hạt lúa là tên gọi của một chứng bệnh có triệu chứng chung là trên vỏ trấu của hạt lúa có những vết lốm đốm màu nâu, nâu đen… nếu nặng những vết này có thể liên kết hòa lẫn lại với nhau chiếm gần hết hoặc hết cả vỏ trấu, làm cho hạt lúa bị lửng hoặc lép hoàn toàn.
Bệnh xuất hiện và gây hại khá phổ biến ở tất cả các vùng trồng lúa của nước ta cũng như những nước trồng lúa trong khu vực và thế giới. Bệnh có thể xẩy ra ở bất kỳ thời vụ nào với những mức độ khác nhau, hiện tại chưa có giống nào kháng hoặc chống chịu được với bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước thì bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như vi khuẩn, nhện gié, bọ xít hôi chích hút... nhưng chủ yếu vẫn là do nấm, người ta đã xác định có đến trên chục loài nấm bệnh có mặt trên vỏ trấu của những hạt lúa bị lem lép như: Alternaria padwickii, Helminthosporium oryzae,Nigrospora oryzae, Bipolaris oryzae, Fusarium moniliforme, Curvularia lutana, Pyricularia oryzae, Microdochịum oryzae, Saroladium oryzae, Seploria sp., Tilletia barclayana, Ustilagonoides virens. Những nấm này không chỉ gây bệnh cho hạt lúa trên đồng ruộng mà còn tồn tại trên vỏ trấu để tiếp tục gây hại cho hạt lúa sau khi thu hoạch ở giaiđoạn hạt lúa còn ẩm chưa kịp khơi khô để đưa vào kho tồn trữ.
Bệnh không những làm giảm năng suất, sản lượng lúa, mà còn làm giảm phẩm chất của hạt gạo, nếu bán sẽ mất giá từ đó gây thất thu về mặt kinh tế cho bà con nông dân. Ngoài ra, nếu dùng làm giống thì chất lượng của hạt giống cũng kém, ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở vụ sau, và đây cũng là nguồn bệnh ban đầu gây cho lúa ở vụ sau.
Bệnh phát sinh, phát triển và gây hại từ khi cây lúa trỗ bông trở đi, thời kỳ dễ nhiễm bệnh nhất là giai đoạn trỗ-ngậm sữa. Nếu bệnh tấn công sớm, lại gặp thời tiết thuận lợi cho bệnh mà không phun xịt thuốc phòng trị kịp thời thì tỷ lệ hạt lép lửng sẽ rất cao, gây thât thu rất lớn (vụ Hè-Thu năm 2003 tại một số địa phương của huyện Châu Thành, Bến Tre bệnh đã gây hại rất nặng, có chỗ bị thất thu lên đến trên dưới 50% năng suất).
Thực tế đồng ruộng cho thấy vào giai đoạn trỗ chín của cây lúa nếu thời tiết mát mẻ, ẩm độ không khí cao, mưa nhiều và kéo dài... thì bệnh sẽ gây hại nhiều và nặng hơn so với thời tiết khô, nắng, ẩm độ không khí thấp. Trên các chân đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, chân đất nghèo dinh dưỡng không được bón phân đầy đủ, hợp lý... cây lúa sinh trưởng kém thì dễ bị các nấm Helminthosporium oryzae, Curvularia lutana gây hại trên lá thì cũng sẽ làm cho hạt lúa bị lem lép nhiều. Những ruộng có nhiều cỏ dại, những ruộng bị bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm vằn, bệnh vàng lá chín sớm, bọ xít hôi... gây hại nhiều thì cũng là những ruộng bị bệnh lem lép hạt gây hại nhiều hơn những ruộng khác.
Để hạn chế tác hại của bệnh không thể có một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được mà các bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hợp lý, trong đó có những biện pháp phải được tiến hành sớm trước khi xuống giống thì mới hy vọng đem lại kết quả cao. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Không lấy lúa ở những ruộng đã bị bệnh gây hại nhiều để làm giống cho vụ sau. Trước khi ngâm ủ phải phơi khổ, quạt thật sạch để loại bỏ hết những hạt lép lửng (là những hạt mang nhiều mầm bệnh nhất).
- Do nấm và vi khuẩn gây bệnh tồn tại ngay trên vỏ trấu vì thế để diệt trừ một cách triệt để nguồn bệnh ban đầu lây nhiễm cho vụ sau, trước khi ngâm ủ phải xử lý giống bằng cách dùng một trong các loại thuốc trừ bệnh như Carban 50SC, Vicarben 50HP... pha nồng độ 3/1.000 ngâm giống 24-36 giờ sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bình thường.
- Nếu điều kiện cho phép nên điều chỉnh thời vụ xuống giống sao cho khi lúa trỗ chín né tránh được thời gian có mưa gió nhiều, thuận lợi cho bệnh tấn công hạt lúa.
- Bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm lân và kali, không nên để lúa thừa đạm dễ bị bệnh đạo ôn, khô vằn, vàng lá chín sớm... đồng thời cũng không nên để cây lúa quá thiếu đạm, thiếu dinh dưỡng dễ phát sinh bệnh đốm nâu, tiêm lửa... vì những bệnh này nếu gây hại nhiều cho cây lúa thì cũng sẽ tấn công và gây hại nhiều cho bông lúa gây bệnh lem lép trên hạt. Để chủ động phòng ngừa bệnh lem lép hạt nên phòng trừ tốt những bệnh đã nêu trên trước khi cây lúa bước vào giai đoạn trỗ chín.
- Ở những ruộng bị nhiễm phèn hoặc dư thừa xác hữu cơ nên tăng cường thêm vôi và phân lân.
- Để chủ động phòng ngừa bệnh, ở những vùng thường xuyên bị bệnh gây hại, ở những vụ lúa có thời gian trỗ nằm trong mùa mưa như vụ Hè-Thu, vụ Thu-Đông, những ruộng lúa đã bị nhiều loại bệnh hại ở giai đoạn trước trỗ... nên phun xịt hai lần thuốc hóa học vào thời điểm khi lúa bắt đầu trỗ và khi lúa trỗ đều. Về thuốc có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Kacie 250EC, Golcol 20SC/50WP, Supercin 20EC/40EC/ 80EC/50VVP, Carbenzim 500FL, Tilt Super 300EC, Vicarben 50HP, Workup 9SL... (trước khi phun xịt nhớ đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì).
Nguồn: thuvien.mard.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình