Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC
Vụ lúa Hè-Thu, trên bẹ lá cờ xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu bầm tím sau đó những vết này cứ lan rộng dần ra làm cho bông lúa bị lép. Xin được nói rõ về bệnh này và có cách nào để phòng trị chúng cho có hiệu quả?
Những triệu chứng trên là do một loài nhện gây ra, gọi là nhện gié.
Loài nhện này nhìn gần giống như con nhện đỏ, nhưng cơ thể của chúng rất nhỏ (0,2-0,3mm), sống tập trung ở mặt trong của bẹ lá lúa phía trên mặt nước. Một con nhện trưởng thành cái có thể đẻ khoảng 50 trứng, trứng rất nhỏ màu trắng đục, được đẻ rải rác ở phía trong của bẹ lá, sau khi đẻ 1-2 ngày trứng nở ra nhện non. Nhện non có cơ thể dài nhọn, cũng giống như một số loài nhện hại cây trồng khác nhện gié non chỉ có 3 cặp chân, khi trưởng thành chúng có 4 cặp chân. Vòng đời của nhộn rất ngắn (khoảng 10-12 ngày), vì thế chúng sinh sôi nảy nở và phát triển mật số rất nhanh.
Cả nhện trưởng thành và nhện non đều chích hút nhựa ở mặt trong của bẹ lá lúa tạo thành những đốm màu nâu nhỏ khoảng 2-3cm, sau đó những đốm này lan rộng dần ra nhìn giống như những vết cạo gió (nên bà con gọi là bệnh cạo gió). Quan sát thật kỹ có thể nhìn thấy nhện tạo một lớp màng tơ rất mỏng. Nếu không phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ kịp thời để nhện tích luỹ mật số cao chúng sẽ leo lên gié lúa chích hút gié lúa non, làm cho gié lúa bị biến dạng vặn vẹo, việc vận chuyển chất dinh dưỡng lên cho hạt lúa gặp nhiều khó khăn, vì thế hạt của những bông lúa này không được no tròn (bị lửng) nếu nặng có thể bị lép hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp những vết chích này còn là cửa ngõ cho nhiều loại nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh lem lép hạt lúa.
Thực ra nhện gié đã xuất hiện từ sau khi gieo sạ khoảng trên dưới 40 ngày, nhưng do chúng nằm kín bên trọng bẹ lá, mặt khác cơ thể của chúng lại quá nhỏ mắt thường khó khát hiện, khi thăm đồng bà con không nhìn thấy, đến khi chúng tích lũy mật số cao, chích hút mạnh tạo ra những vết bầm tím như cạo gió bà con mới phát hiện được thì thực ra đến lúc này chúng đã tích luỹ được mấy thế hệ rồi.
Thực tế đồng ruộng cho thấy nhện gié thường phát sinh, phát triển tích lũy số lượng và gây hại nhiều ở những chân ruộng vừa thu hoạch xong vụ Đông-Xuân không cho đất nghỉ đã tranh thủ đất xuống giống ngay vụ Hè-Thu (từ tháng 2 đến tháng 5) để né lũ. Những ruộng ruộng gieo sạ dầy (trên 200 kg giống cho một ha), những ruộng bị thiếu nước khô hạn... thường là những ruộng bị nhện gây hại nhiều hơn.
Sau khi thu hoạch lúa nhện di chuyển sang cư trú trên lúa rài, lúa chét... để rồi từ đây nhện lại di chuyển và lây lan sang gây hại cho lúa ở vụ sau.
Để hạn chế tác hại của nhện gié có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
- Nếu điều kiện cho phép, sau khi thu hoạch vụ lúa trước không nên gieo sạ ngay vụ lúa sau, nên để khoảng 3-4 tuần cho đất nghỉ đồng thời cắt đứt nguồn thức ăn của nhện trên ruộng. Những nơi thường bị nhện gây hại nặng lại phải gieo sạ ngay để tranh thủ thời vụ né lũ không thể cách ly thời vụ, nếu có thể được nên luân canh với cây trồng cạn để cắt đứt nguồn thức ăn của nhện trên đồng ruộng.
- Những ruộng đã bị nhện gây hại trong vụ Đông-Xuân, sau khi thu hoạch lúa nên trải rơm rạ trên ruộng phơi khô rồi đốt, trước khi gieo sạ lúa vụ Hè-Thu cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, tiêu hủy hết lúa rài, lúa chét, lúa ma... trong ruộng và cả trên bờ để diệt triệt để nguồn nhện ban đầu hạn chế nhện lây lan từ vụ Đông-Xuân sang vụ Hè-Thu.
- Nên gieo sạ thưa, tốt nhất là sạ hàng để không những giảm bớt thiệt hại do nhện mà còn phòng ngừa được một số loại dịch hại khác như sâu phao đục bẹ, rầy nâu, đạo ôn, đốm vằn...
- Thường xuyên cung cấp đủ nước cho ruộng lúa, không được để ruộng bị khô hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi cho nhện phát sinh phát triển tích lũy nhanh số lượng và gây hại mạnh.
Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ nhện kịp thời. Nếu thấy có khoảng trên 10% số tép có bẹ lá bị nhện gây hại (có triệu chứng như vết cạo gió) thì sử dụng một trong các loại thuốc như: Vetsemex 20EC Dnnitol 10EC, Comite 73 EC, Ortus 5SC, Pegasus 500EC, Cascade 5EC, Nissorun 5EC, Regant 800WG, Kinalux 25EC,... để phun xịt. Nhện có tính kháng thuốc rất mạnh vì thế phải luân phiên sử dụng các loại thuốc đã nêu trên, không sử dụng liên tục một loại thuốc quá ba lần dù là thuốc tốt. Do nhện nằm kín trong bẹ lá lúa nên phải pha thuốc với nhiều nước (khoảng 6-7 bình loại 8 lít cho một công ruộng), chỉnh béc phun cho thật nhuyễn, xịt thật kỹ thì thuốc mới chảy được vào trong bẹ lá diệt nhện bên trong. Nên xịt thuốc vào buổi chiều mát để đến tối, đêm nhện thường bò ra khỏi bẹ lá leo lên cây lúa dễ dính thuốc mà chết.
Nguồn: thuvien.mard.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình