Con bù hút mà bà con vùng lúa chính là con bọ xít hôi (còn gọi là bọ xít hôi mình dài) hại lúa. Ở nước ta bọ xít hôi hại lúa có vài loài, nhưng chủ yếu nhất vẫn là loài Leptocorisa varicornis Fabr. Chúng thuộc họ bọ xít mép (Coreidae), bộ cánh nửa (Hemiptera).
Con trưởng thành có màu xanh hơi vàng, pha màu nâu. Con cái thân dài khoảng 15-l6mm, con đực nhỏ và ngăn hơn con cái. Phía mặt bụng có màu xanh bạc. Chúng thường hoạt động mạnh vào buổi sáng, lúc trời râm mát, con trưởng thành cái thường đẻ trứng ở mặt trên, mặt dưới và bẹ... của lá lúa, nhưng chủ yếu vẫn là mặt trên của lá lúa.
Trứng được đẻ thành từng ổ, trong mỗi ổ trứng thường được xếp thành 2 hàng. Nếu nhìn từ trên xuống trứng có hình bầu dục, dài khoảng hơn 1 mm. Khi mới đẻ trứng có màu trắng dục, khi sắp nở chúng chuyển dần sang màu vàng nâu hoặc nâu đậm.
Con ấu trùng (bọ xít non) có màu vàng lục, thân dài từ vài mm đến khoảng 15mm (tùy theo tuôi), không có cánh hoác mới có mầm cánh ngắn. Sau khi nở bọ xít non tập trung xung quanh ổ trứng, sau vài tiếng đồng hồ chúng phân tán lên bông, lá lúa để gây hại.
Bọ xít hôi có xu tính yếu với ánh sáng, nhưng ưa mùi tanh thối. Cả con trưởng thành và bọ xít non đều gây hại cho cây lúa bằng cách chích hút dịch của hạt lúa non ở giai đoạn ngậm sữa đến chắc xanh (là chú yếu), làm cho hạt lúa bị lép lửng. Ở các tỉnh phía Bắc mùa vụ lúa tương đối gọn, rõ ràng khi trên đồng ruộng hết lúa thì bọ xít hôi di chuyển sang cư trú trên một số loại cỏ dại như cỏ lồng vực, lau sậy hoặc sống tạm trên một số cây thuộc nhóm cây có múi như cam, quýt, chanh... Ở các tỉnh phía Nam do thời tiết luôn phù hợp, bà con có thể "gieo mạ quanh năm, cấy bốn mùa", làm cho mùa vụ ở nhiều nơi không tập trung nên mỗi khi ruộng này hết thức ăn phù hợp thì bọ xít lại di chuyển sang những ruộng khác, cánh đồng khác đang có thức ăn phù hợp với chúng, vì thế việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào những năm có dịch. Thực tế đồng ruộng cho thấy bọ xít thường gây hại nhiều ở những ruộng xuống giống sớm, đặc biệt và những ruộng gieo sạ muộn so với xung quanh.
Để hạn chế tác hại của bọ xít hôi có thể áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, diệt trừ những loài cỏ dại ký chủ phụ của bọ xít.
- Trong một vùng rộng, hoặc ít nhất cũng là trong một cánh đồng nên xuống giống tập trung gọn thời vụ, không xuống giống lai rai để lúc nào trên đồng ruộng cũng có thức ăn phù hợp với bọ xít. Bằng mọi cách phải xuống giống kịp với những ruộng xung quanh, nếu xuống quá trễ ruộng này sẽ là cái ổ thu hút bọ xít tập trung đến gây hại rất nặng. Nếu thực hiện được biện pháp này thì hiệu quả phòng trừ bọ xít sẽ rất cao.
- Nếu có điều kiện các bạn nên vận động nhau tổ chức đốt đuốc đồng loạt ở nhiều điểm phân bố đều trên cánh đồng để thu hút bọ xít bay lao vào lửa mà chết.
- Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, nhất là từ khi cây lúa sắp trỗ trở đi, nếu phát hiện có nhiều bọ xít có thể dùng một trong các loại thuốc như: Bascide 50EC, Vibasa 50ND, Bassan 50EC, Basutigi 40ND, Abakill 1,8EC... để phun xịt.Về liều lượng và cách sử dụng có thể đọc hướng dẫn của nhà sản suất có in sẵn trên bao bì.
- Những ruộng vừa mới thu hoạch lúa, bọ xít hôi (nhất là con ấu trùng) thường rơi xuống mặt ruộng, nếu có thể nên xịt thuốc lên mặt ruộng để tiêu diệt bọ xít, không cho chúng sống sót di chuyển sang phá lúa ở vụ sau.
|