Bệnh cháy bìa lá còn gọi là bệnh bạc lá lúa do một loại vi khuẩn có tên là Xanthomonas oryzae gây ra, đây là một bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều ở những vùng, những vụ lúa thường có gió to, mưa bão lớn, chúng thường gây hại ở các vụ lúa Hè-Thu nhiều hơn các vụ lúa Đông-Xuân.
Bệnh có thể phát sinh gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây lúa từ giai đoạn mạ cho đến khi trỗ chín. Tuy nhiên ở giai đoạn mạ triệu chứng của bệnh thể hiện không đặc trưng như ở những giai đoạn sau đó.
Vi khuẩn thường xâm nhập vào trong cây qua thủy khổng, lỗ khí ở trên chop lá, mép lá, đặc biệt là qua vết thương cơ giới trên lá, vì thế vết bệnh đầu tiên thường ở mép lá, chóp lá sau đó lan dần vào phiến lá hoặc lan thẳng xuống gân chính, vết bệnh rộng dần ra theo đường gợn sóng hoặc thẳng, mô bệnh xanh tái, vàng lục cuối cùng cháy khô (nên ở Nam bộ gọi là bệnh cháy bìa lá) và có màu nâu xám hoặc trắng bạc (các tỉnh phía Bắc gọi là bệnh bạc lá). Ranh giới giữa chỗ bị bệnh và không bị bệnh rất rõ rệt, có giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng rơm, cũng có khi ranh giới này không có màu vàng, đôi khi ranh giới chỉ là một đường chỉ có màu nâu xẫm đứt quãng hoặc không đứt quãng.
Khi đã tiếp xúc với bề mặt của lá lúa có màng nước ướt, vi khuẩn dễ dàng di chuyển tiến vào bên trong mô lá qua những lỗ khí, qua vết thương cơ giới trên lá. Khi đã vào được bên trong lá vi khuẩn sinh sản nhân số lượng, thông qua các bó mạch dẫn chúng di chuyển lan rộng dần ra xung quanh. Chính vì thế vào những thời gian có mưa nhiều đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây hại cho cây lúa nhiều hơn so với những thời gian khô nắng.
Trên bề mặt lá lúa bị bệnh vào những ngày mưa ẩm, thời tiết ẩm thấp hoặc vào lúc sáng sớm thường xuất hiện những giọt keo vi khuẩn màu vàng ứa ra từ chỗ vết bệnh, từ những giọt keo này thông qua sự va chạm giữa các lá lúa nhờ mưa gió mà lây lan sang các lá khác, cây khác.
Bệnh thường gây hại trên những lá đã trưởng thành trở đi, tác hại chủ yếu của bệnh là làm cho lá lúa, đặc biệt là lá đòng sớm bị tàn lụi, nhanh chóng bị khô chết, bộ lá xơ xác. Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh sớm lại gặp điều kiện thời tiết thuận lợi mà không phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời; bệnh sẽ gây hại nặng và có thể làm “cháy” cả lá lúa hoặc cả bụi lúa, lá lúa bị mất diệp lục tố, ảnh hưởng đến hiệu xuất quang hợp tích lũy chất khô của cây dẫn đến giảm khối lượng hạt, tỷ lệ lép lửng sẽ cao, năng suất sẽ bị sút kém. Nếu bệnh phát sinh và gây hại trễ vào giai đoạn chín sữa trở đi thì ảnh hưởng đến năng suất không nhiều lắm.
Ngoài cây lúa còn thấy vi khuẩn tồn tại trên cả một số cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ môi, cỏ gừng bò... đây là nguồn bệnh lưu truvền cho vụ sau. Tuy nhiên qua nghiên cứu các nhà chuyên môn cho thấy nguồn bệnh lây truyền cho vụ sau chủ yếu là qua hạt giống và tàn dư của cây lúa bị bệnh trên đồng ruộng.
Thực tế đồng ruộng cho thấy bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nhiều khi nhiệt độ không khí tương đối cao (khoảng 26-30 độ C), ẩm độ cao (từ 90% trở lên) trong các đợt mưa, gió, bão. Nếu trên đồng ruộng đã có sẵn nguồn bệnh và những điều kiện thuận lợi về thời tiết như đã nói ở trên đang xuất hiện mà lại gặp ruộng trồng giống nhiễm, ruộng đang ở giai đoạn đòng trỗ trở đi, ruộng được bón nhiều phân đạm hóa học không cân đối với lân và kalilàm cho cây lúa tốt lốp, yếu ớt… thì bệnh dễ phát sinh và gây hại nặng.
Để hạn chế tác hại của bệnh phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Ở những vùng thường bị bệnh gây hại hàng năm, bằng thực tế đồng ruộng của những vụ trước năm trước các bạn nên chọn những giống ít bị nhiễm bệnh để gieo trồng cho vụ sau. Không nên gieo trồng những giống mẫn cảm nhiều với bệnh như Jasmine, Khao Dawk Mali... Mỗi gia đình nên xây dựng một khu ruộng nhân giống riêng, áp dụng nhiều biện pháp một cách tổng hợp bảo vệ cây lúa giống không bị nhiễm bệnh để sản xuất ra hạt giống sạch bệnh cho vụ sau.
- Trước khi xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom sạch rơm rác, tàn dư của cây lúa từ vụ trước và don sạch cỏ dại trên ruộng, nhất là một số loài cỏ là ký chủ phụ của bệnh như cỏ lồng vực, cỏ môi, cỏ gừng bò...
- Phải bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, giảm bớt nguồn đạm vô cơ, nếu có điều kiện tăng cường bón thêm phân hữu cơ đã được ủ hoại mục. Vào vụ Hè-Thu và vụ mùa, sau mỗi đợt mưa to gió lớn nên phun ngừa bằng một trong vài loại thuốc như: Copper Zinc, Coc 88, Kocide, Champion...
- Nếu thấy những ruộng xung quanh đã bị nhiễm bệnh cần gia cố lại bờ bao không cho nước từ những ruộng đó xâm nhập mang nguồn bệnh vào ruộng nhà mình.
- Khi cây lúa chớm bị bệnh cần ngưng ngay phân đạm, bón bổ xung thêm phân kali, đồng thời dùng một trong các loại thuốc như: Golcol 20SL, Supercin 20EC/40EC/80EC, Kasuran, Kasumin, Stamer, Sasa... để phun xịt, khoảng 7-10 ngày 1 lần.
|