Đối với cây gừng, ốc sên thường chui trốn trong các hốc đất, khe kẽ đợi chiều tối bò ra ăn lá, ngọn non của cây gừng. Trong quá trình bò, chúng tiết là một loại dịch làm cho cây Gừng bị hư lá và tạo vết thương nên bệnh dễ xâm nhập gây bệnh cho cây. Để diệt trừ ốc sên hiệu quả, bà con có thể áp dụng một trong những kinh nghiệm sau:
- Ốc sên rất thích thức ăn có mùi thơm ngọt như mít, thơm (dứa)… nếu ở nhà có bổ trái mít hay thơm thì không nên vứt rác các vỏ trái hay xơ mít, mà tận dụng lại đem bỏ những nơi ẩm ướt cạnh khu vực trồng Gừng, qua sáng hôm sau sẽ thấy ốc sên bò tới thưởng thức. Lúc đó mặc sức mà thu gom diệt gọn chúng.
- Trường hợp trồng gừng với diện tích lớn thì phải sử dụng bả mồi có bán trên thị trường. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng năm 2012 thì hoạt chất Metadehyde được các nhà sản xuất làm thuốc dẫn dụ và phòng trừ các loài ốc gây hại mùa màng: Ốc bưu vàng, các loài ốc sên… Trên thị trường hiện có bán thuốc trên với các tên bao bì như: Bolis ( 6G, 12G) ; Cửu Châu ( 6Gr, 12Gr ) và Pilot (10B, 15B).
Tất cả loại thuốc trừ ốc trên đều sử dụng theo khuyến cáo bao bì và sử dụng hình thức là rải trên mặt đất hay trộn với đất phân khi trồng cây.
- Chặt cành râm bụt có nhiều lá xanh, để cho héo, đem bỏ từng đống trong vườn vào lúc chiều mát. Tối đến, ốc sên sẽ kéo đến ăn lá râm bụt. Sáng hôm sau sẽ thu gom dễ dàng.
- Lấy một cái hũ, trét lên một lớp mật ong mới lấy còn mùi thơm. Chờ sẩm tối đem để ngoài vườn. Vị ngọt thơm của mật ong sẽ dẫn dụ ốc sên chui vào hũ rất nhiều. Sáng ra bạn chỉ cần xử lý chúng là xong.
- Bắt vài con cóc nuôi trong vườn (số lượng cóc nuôi ít hay nhiều tuỳ theo vườn rộng hay hẹp). Đêm đến những con cóc này sẽ ăn hết những con ốc sên và nó còn ăn những loại sâu bọ, mối, kiến cánh… nhưng không phá hoại cây trồng./.
|