Đầu vụ ngô xuân thời tiết vẫn cò nhiều đợt rét kéo dài không thuận lợi cho hạt nảy mầm và phát triển, do đó, người trồng cần có những biện pháp kĩ thuật tác động tích cực như: Hong khô hạt trước khi ngâm, sử dụng nước ấm 3 sôi: 2 lạnh để ngâm hạt từ 6-8 tiếng. Dùng khăn ẩm ủ hạt nơi ấm (trong thúng cỏ có bóng điện thắp sáng để thúc mầm). Ngô vụ xuân có thể đặt hạt đã ngâm ủ thúc mầm trực tiếp xuống ruộng sản xuất mà không cần gieo ươm cây con để giảm công lao động. Song, nếu khi chuẩn bị tra hạt lại gặp đợt rét kéo dài thì nông dân cần gieo hạt đã thúc mầm vào chỗ đất cát ẩm có che phủ ni lông giữ ấm đợi đến khi mầm mọc khỏi mặt đất, thời tiết ấm mới đặt ngô ra ngoài ruộng để giảm thiểu lượng cây chết do rét. Với trường hợp này cần đưa ngô ra ruộng sớm (khi ngô có 2 lá mầm) không nên trồng muộn ngô sẽ rất còi cọc sau này.
* Chú ý:
- Ngô trồng vụ xuân do thời tiết đầu và giữa vụ ít có nắng nên người trồng cần có kĩ thuật đặt mầm để chỉnh tán lá ngô sao cho các lá ngả ra ngoài mép luống, vuông góc với hàng và không che khuất nhau để mọi cây ngô đều phát huy tối đa khả năng quang hợp tích lũy chất. Cách đặt như sau: Mé phôi mầm được nằm ngửa lên trên và hướng chân hạt phải vuông góc với rạch ngô. Khi đặt xong, cần chèn đất xung quanh mầm hạt để không bị xoay hướng khi ra lá, sau đó tiếp tục gạt nhẹ đất phủ mầm.
- Thời kì ngô bật mầm ra lá sau gieo cần giữ ẩm thường xuyên cho hạt nếu không hạt đã trương mầm sẽ bị hút nước và chết. Cần dành một lượng nhỏ hạt đã thúc mầm gieo bổ sung trên nền bùn se nơi góc ruộng hoặc gia đình để dặm vào những chỗ khuyết sau này khi hạt bị thối hỏng sau gieo ngoài ruộng sản xuất.
- Hạt ngô gieo vụ xuân không nên gieo quá nông, gió bấc khô hanh sẽ làm hạt nhanh bị khô không đủ độ ẩm dễ chết. Độ sâu gieo hạt tốt nhất khoảng 4- 5cm( đất cát gieo sâu hơn đất thịt).
- Khoảng 18-20 ngày sau gieo cần xới xáo, tỉa cây định hình.
- Khi ngô được 3 - 5 lá thật, cần tiến hành xử lý cỏ dại bằng các loại thuốc trừ cỏ chọn lọc để giúp quản lý được các loại cỏ khó trừ trên ngô.
|