Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Vườn quýt hiện nay lá bị vàng, đã chăm bón hàng năm, xịt thuốc nhưng không hết. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp phòng trừ?
Biện pháp phòng bệnh vàng lá gân xanh trên quýt và cây có múi như sau:
* Triệu chứng: 
Lá: Trên cây bị bệnh phiến lá hẹp và nhọn như hình tai thỏ, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá vàng nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn xanh, người ta thường gọi vàng lá gân xanh hay còn gọi là bệnh vàng lá Greening.
Trái: Cây ra hoa nhiều đợt, có thể trên cùng một nhánh cây vừa mang trái vừa có hoa. Trái nhỏ hơn bình thường, méo mó, khi bổ dọc trái ra thì tâm trái bị lệch hẳn sang một bên, trái chín ngược. Trên trái bị bệnh hạt thường bị thui đi, có màu nâu.
* Tác nhân gây bệnh:
Do vi khuẩn gây hại sống trong mạch dẫn của cây (trước đây  tác nhân gây hại cho rằng là virus hay Mycoplasma). Ngoài cây có múi nói chung và cây quýt nói riêng, vi khuẩn này có thể sống và nhân số lượng trong một số cây khác như cây dừa cạn và dây tơ hồng.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua rầy chổng cánh, ngoài ra còn lây truyền theo đường ghép, chiết…
Mới đây các nhà khoa học đã tìm ra cách lan truyền bệnh, mặc dù bệnh vàng lá gân xanh ở cam quýt xâm nhập vào cây thông qua những chiếc lá của chúng, căn bệnh gây chết cây này tấn công bộ rễ trước khi lá có những dấu hiệu hư tổn - một phát hiện mới này có thể giúp người trồng có chế độ chăm sóc tốt hơn cho cây của họ
Bệnh vàng lá gân xanh ở cam quýt đầu tiên xâm nhập vào cây thông qua một côn trùng nhỏ bé: rầy chổng cánh, loài này hút nhựa từ lá cây và để lại vi khuẩn lây lan cho cây. Vi khuẩn này di chuyển nhanh chóng đến rễ, tại đó chúng sinh sản, phá hủy hệ thống rễ và lây lan sang phần còn lại của tán cây ký chủ. Bệnh này làm cây bị thiếu chất dinh dưỡng, để lại những quả xanh và xấu xí. Phần lớn các cây bị nhiễm bệnh đều chết trong vòng vài năm.
Cần lưu ý bệnh vàng là còn do nấm Phytopthora là do bà con trong lúc trồng đã đặt cây giống sâu xuống đất quá, dễ bị nấm bệnh tấn công.
* Biện pháp phòng trừ:
Hiện nay không có thuốc đặc trị, chỉ công tác phòng bệnh là chính để hạn chế lay lan.
- Không dùng giống ở những vườn cây có bệnh hoặc giống không có xuất xứ rõ ràng.
- Tỉa cành, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật để cây ra đọt non tập trung, sau đó phun phòng bằng thuốc hóa học.
- Trồng cây chắn gió bao xung quanh vườn ngăn chặn rầy di chuyển từ nơi khác đến.
- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ triệt để rầy chổng cánh.
- Khi cây bị bệnh nhẹ, cắt bỏ tiêu hủy các cành bị bệnh, nếu bị nặng thì bỏ toàn bộ cây ra khỏi vườn.
- Các công cụ dùng để cắt tỉa, chiết, ghép sau mỗi lần phải khử trùng bằng xà phòng hoặc cồn.
- Khi phát hiện cây mới chớm bệnh phun Copper -Zine hoặc hỗn hợp CuSO4  + ZnSO4 + MgSO4 (mỗi loại khoảng 30 gam trong 10 lít nước), phun 10-15 ngày một lần cho đến khi cây hồi phục. Để phòng ngừa bệnh có thể phun định kỳ 2-3 lần/năm.
- Nếu vườn bị nặng muốn lập lại vườn có hiệu quả, bà con phải triệt để làm như sau: trước tiên phải đốn bỏ tất cả các cây đã bị bệnh trong khoảng cách ít nhất 50m, rồi mua cây giống sạch bệnh (không có cây kháng bệnh, chỉ có cây sạch bệnh) về trồng lại. Có gắng trồng trong tháng mà mật số rầy chổng cánh thấp, đó là các tháng mùa khô (tháng 11, 12, tháng 1). Trước khi trồng, xịt thuốc trừ rầy chổng cánh và sau mỗi 2 tháng lại xịt tiếp thuốc trừ rầy. Thời gian sau, mỗi tháng phải xịt thuốc lên đọt non của cây để phòng trừ rầy chổng cánh tấn công.
Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nhà vườn, người ta còn trồng hàng rào cây hạn chế rầy hoặc trồng xen ổi, vì ổi là loại cây mà rầy chổng cánh không thích. Trong tương quan môi trường, nếu chung quanh có cây nguyệt quới (nguyệt quế) thì nên đốn bỏ, hoặc cũng thường xuyên xịt thuốc trừ rầy lên đọt nguyệt quới vì đây là cây rầy chổng cánh ưa thích.
Nguồn: khuyennong.binhthuan.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình