Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết một số giống đậu xanh cho năng suất cao và kỷ thuật trồng?
Đậu xanh là cây họ đậu thuộc nhóm cây ngắn ngày sinh trưởng khỏe, dễ thích ứng với nhiều loại chân đất và tiểu khí hậu khác nhau. Thời gian sinh trưởng từ 60-70 ngày.
Khâu chọn giống: Hiện có nhiều giống đậu xanh cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng được nhiều loại sâu, bệnh, khả năng thích nghi cao như (Một số giống triển vọng)
Giống đậu xanh HLĐX 6: Thời gian sinh trưởng: 63 – 70 ngày. Cao cây: 60 – 68 cm. Tổng số trái/cây: 10 – 25 trái. Trọng lượng (P) 1000 hạt: 70 – 73 g. Hàm lượng protein: 17,4%. Vỏ trái khi chín màu nâu đen, hạt màu xanh sáng, đóng hạt chặt. Có khả năng chín tập trung, tỷ lệ chín lần 1 đạt từ 75-85%. Có khả năng chống chịu với bệnh Khảm vàng lá tốt, bệnh Đốm nâu. Năng suất đạt 1,3 – 1,5 tấn/ha trong vụ Hè Thu và vụ Mùa, đạt 1,33 – 1,88 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, giống có năng suất ổn định và thích nghi rộng.
Giống đậu tương HLĐX 7: Thời gian sinh trưởng: 62 – 68 ngày. Cao cây: 55 - 65 cm. Tổng số trái/cây: 15 - 22 trái. Trọng lượng 1000 hạt: 68 - 73 g. Hàm lượng protein: 17,9 %. Vỏ trái khi chín màu đen, hạt màu xanh sáng, đóng hạt chặt. Có khả năng chín tập trung, tỷ lệ chín lần 1 đạt từ 75-85%. Có khả năng chống chịu với bệnh Khảm vàng lá tốt, bệnh Đốm nâu. Năng suất đạt 1,27 – 1,47 tấn/ha trong vụ Hè Thu và vụ Mùa, đạt 1,32 – 1,79 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, giống có năng suất ổn định và thích nghi rộng.
Giống ĐX 208: là giống chín sớm, thích hợp sản xuất ở cả vụ Xuân và vụ Hè.Thời gian sinh trưởng từ 60-70 ngày tùy thời vụ và vùng sinh thái khác nhau. ĐX 208 sinh trưởng khoẻ, cao trung bình 55-70 cm. Ra hoa tập trung, sai quả. Hạt to, trọng lượng lượng 1000 hạt: 65-70 g, dạng xanh mỡ bóng, ruột vàng, thơm, bở, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. ĐX 208 có tiềm năng năng suất cao 2,5 - 3,0 tấn/ha. Chịu hạn, chịu nóng tốt, chống đổ và chống bệnh vàng lá và đốm lá rất tốt. Gieo được nhiều vụ trong năm trên nhiều loại đất khác nhau.
Khâu chuẩn bị đất trồng: Như nhiều cây họ đậu khác, đậu xanh cũng yêu cầu đất tơi xốp, vì vậy cần cày bừa kỹ mặt ruộng, làm sạch cỏ dại. Cày bừa gieo liền không để đất khô vì xã Phong Phú có lượng nắng và gió nhiều. Đậu xanh không chịu được ngập úng nên làm đất phải đánh luống và tạo rãnh thoát nước. Khi trồng, hạt đậu xanh sẽ nẩy mầm khỏe, đồng đều nếu đảm bảo được 2 yếu tố nhiệt độ và độ ẩm. Có thể áp dụng phương pháp gieo sạ theo hàng hoặc gieo hốc. Tùy theo phương thức gieo mà lượng giống thay đổi, thông thường từ 25 – 30 kg/ha.
Khâu bón phân, chăm sóc: Nhu cầu phân bón cho đậu xanh là 40% đạm, 60% lân, 50% kali; tương ứng với 90kg Urê, 300kg Super lân và 90kg Kali (Tính cho 1 ha). Chia làm 3 lần bón. Lần thứ nhất: Bón lót trước khi gieo hạt, bón toàn bộ lân, rải đều trên luống hoặc giữa 2 hốc gieo. Lần thứ hai: Bón thúc đợt 1 khi cây được 3 lá thật; lượng phân bón là 1/2 urê và 1/2 kali. Lần thứ 3: Bón sau khi gieo 25 ngày, ta tiến hành bón thúc ra hoa toàn bộ lượng phân còn lại và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.
Một số sâu bệnh hại trên cây đậu xanh: Dòi đục thân, Sâu khoang, Sâu đục quả, Bệnh vàng lá, bệnh đốm lá, Bệnh héo cây con….Tuỳ theo tình trạng gây hại trên đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ cụ thể.
Thu hoạch: Khi trái chuyển từ màu vàng sang đen, thu hoạch đến đâu phơi khô đến đó rồi ra hạt.
Nguồn: khuyennong.binhthuan.gov.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình