Trả lời:
Nhiệm vụ duy nhất của ong đực là giao phối với ong chúa. Trong đàn, ong đực chẳng làm việc gì cả, chỉ đi ra đi vào, đôi khi bay đi chơi quanh tổ hoặc bay đuổi theo các ong chúa để giao phối. Ong đực không có bộ phận lấy phấn hoa, miệng ong đực không thích nghi với hút mật, vì vậy ong đực được ong thợ nuôi cho ăn. Khi trong tổ thiếu thức ăn (vào mùa đông) ong đực bị ong thợ đuổi ra ngoài tổ rồi chết đói hoặc chết rét.
Tuy nhiên khi một đàn ong mạnh, số quân nhiều, ong thợ chuyên lo đi lấy phấn, lấy mật thì ong đực có vai trò điều hoà nhiệt độ trong tổ để cho ấu trùng nở. Có người nuôi ong cho rằng ong đực không làm mà lại ăn mạnh thì nên giết ong đực đi có lợi hơn. Nhưng theo A. Zubarev (Nga) thì nên cứ để cho đàn ong tự lựa chọn, khi nào thấy không cần thiết nữa thì ong thợ sẽ tự đuổi ong đực ra và tiêu diệt.
Về quan hệ sinh học trong tổ ong, người nuôi ong không nên tác động thô bạo với đàn. Chừng mực nào đó khi ta giết ong đực đi sẽ làm thay đổi sự cân bằng các điều kiện của đàn và cũng chừng mực ấy ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của đàn.
Hơn nữa để giao phối với ong chúa, đàn ong cần một số lượng ong đực nhất định: trong cả bầy cũng chỉ có 7 - 10 con ong đực giao phối được. Thế thì số lượng ong đực trong đàn có vai trò chọn lọc tự nhiên để tăng cường sức sống của đàn ong.
|