Tầng ong là một công trình tuyệt diệu của con ong. Những nhà toán học thế giới phải công nhận rằng con ong đã giải quyết trong thực tiễn vấn đề khó khăn để xây dựng được lỗ tổ ong có thể tích chứa được một lượng mật nhiều nhất mà xây dựng lại tốn ít sáp nhất.
Lỗ tổ ong được xây dựng theo hình lục lăng, chiều sâu khoảng 1,3cm, cái này dính sát cái kia, đáy lỗ do 3 mặt phẳng tứ giác tạo thành và gắn liền với mặt bên kia của bánh tổ (tầng ong).
Có 3 loại lỗ tổ ong:
- Loại kích thước nhỏ để nuôi ấu trùng ong thợ.
- Loại kích thước lớn hơn gần gấp đôi lỗ tổ ong thợ để nuôi ấu trùng ong đực.
- Loại kích thước lớn gần gấp ba lỗ tổ ong thợ, có hình trắng gọi là vú chúa để nuôi ong chúa.
Xây tầng là nhiệm vụ của ong thợ 12 - 18 ngày tuổi có tuyến sáp phát triển mạnh. Mỗi con ong thợ có 4 đôi tuyến sáp phía dưới bụng tiết ra chất dầu rồi kết lại thành vẩy sáp. Khi xây tầng, ong thợ dùng chân chuyển sáp lên miệng nhai nhỏ, nhuyễn để xây tầng. Khi nguồn mật nhiều, một đàn ong mạnh có thể xây 2 - 3 vạn tổ tầng trong 1 ngày đêm (ong Ý); ong nội cũng xây được 8.000 đến 10.000 lỗ tầng. Còn khi trong tổ ong không có trứng và ấu trùng, hoặc không có chúa thì ong thợ không xây tầng.
|