Khi bắt một tổ ong rừng đã có bánh tổ cần chuẩn bị chu đáo hơn, và cần mang theo thùng ong để chuyển thẳng đàn ong vào thùng nuôi ong. Trước khi bắt ong, người nuôi ong phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết của người đi bắt ong như dụng cụ bắt ong, dụng cụ bảo hộ, v.v... Thứ tự động tác bắt tổ ong có bánh tổ như sau:
- Chung quanh nơi có tổ ong cần được dọn sạch, khô ráo để khi bắt ong nếu làm rơi ong chúa xuống thì phát hiện được ngay để bắt lại, không để ong chúa bay đi mất.
- Quan sát và đếm xem tổ ong đã có bao nhiêu bánh tổ để chuẩn bị sẵn bấy nhiêu cầu ong và làm động tác gỡ bánh tổ gắn vào cầu.
- Cắt các bánh tổ trong tổ ong buộc vào khung cầu theo thứ tự giống như thứ tự các bánh tổ trong tổ ong. Không xáo trộn bánh tổ gây cho ong thợ “nghi ngờ” là bánh tổ của tổ khác mà xáo trộn hoạt động trong tổ.
- Trong quá trình quan sát và cắt bánh tổ nếu để ý phát hiện thấy ong chúa thì bắt ngay, nhốt vào lồng và đặt lồng có chúa vào trong thùng ong. Được như vậy thì khi cột xong tầng ong, ong chúa sẽ gọi đàn ong vào thùng.
- Trường hợp không tìm thấy ong chúa, nghĩa là chúa đã lẫn vào trong đàn ong thợ, thì khi cột xong các bánh tổ vào cầu rồi, ong sẽ bò ra khỏi tổ tụ lại, dùng tay hốt nhẹ từng vốc ong bỏ vào thùng ong. Vừa hốt ong vừa quan sát, nếu thấy những con ong thợ bỏ vào thùng tụ vào bánh tổ và chừng 20 - 30 phút nếu thấy các con ong thợ khác ở ngoài bay vào thùng thì chắc chắn ong chúa đã có trong thùng, và kiên trì chờ cho đến khi ong vào hết trong thùng, ổn định mới đóng cửa thùng và mang về nhà đặt vào vị trí ổn định rồi mở cửa tổ cho ong đi làm.
Trong 3 ngày đầu cần cho ong ăn thêm xyrô đường để chúng ổn định đàn. Khi ong ổn định rồi mới thả ong chúa ra (nếu bắt ong chúa nhốt vào lồng).
|