Quản lý và chăm sóc đàn ong không có gì phức tạp khó khăn, tuy không đòi hỏi thường xuyên nhưng người nuôi ong phải biết khi nào thì cần có tác động của mình để tránh cho đàn ong xẩy ra các tình huống phải xử lý.
Công việc quản lý đàn trước hết là thường xuyên theo dõi hoạt động của đàn ong để từ đó phát hiện ra những hiện tượng khả nghi có thay đổi trong đàn ong như ong chuẩn bị chia đàn, ong muốn bốc bay, ong bị sâu bệnh, v.v...
Việc thứ hai là định kỳ kiểm tra đàn, làm vệ sinh thùng ong.
Việc thứ ba là cho ong ăn bổ sung hoặc kết hợp xử lý thuốc phòng trừ bệnh cho ong.
Trên cơ sở các công việc quản lý đàn ong mà tiến hành xử lý các tình huống xẩy ra trong đàn như cần phải nhập đàn yếu thành đàn mạnh, cần phải thay chúa, bổ sung quân, v.v... Tuy nhiên, không phải để kiểm tra đàn ong mà luôn mở thùng ong ra để xem, mà phải kết hợp nhiều công việc, cần thiết mới mở thùng (hạn chế mở thùng ong lấy cầu ra vì thường làm cho ong bị xáo trộn và trở thành đàn ong dữ). Ví như khi quay mật phải lấy cầu ra thì kiểm tra tình hình đàn ong trước, vừa làm vừa kiểm tra và ghi chép mọi hiện tượng của đàn ong.
|