* Nguyên nhân:
Là bệnh truyền nhiễm mãn tính do vi khuẩn lao gây ra. Có 4 chủng chính gây bệnh cho gia súc, gia cầm và cho người, ở bò do chủng M.bovis gây ra. Vi khuẩn lao có đặc điểm là kháng được cồn và môi trường axit. Trong phân, đờm nó sống được 70 ngày.
Ánh sáng mặt trời tiêu diệt vi khuẩn sau 8 giờ, phenol 3% diệt khuẩn trong 30 phút, axit boric trong 12 giờ.
* Đường lây truyền:
Các chất trong ổ lao, mủ, dịch bài xuất đờm, dãi, phân, sữa của con vật mắc bệnh đều có chứa vi khuẩn. Có khoảng 1/3 số xúc vật mắc bệnh có thể thải ra vi khuẩn qua nước tiểu.
Mầm bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, qua bụi không khí có mang vi khuẩn. Kết quả là xuất hiện thể lao ở đường hô hấp (lao phổi). Thể này khá phổ biến ở gia súc và người. Khi bò bị lao phổi thể hở và đang tiến triển, chúng ho, hắt hơi liên tục, thải vào không khí một lượng lớn vi khuẩn lao. Bò khác ở xung quanh hít phải sẽ nhiễm bệnh.
Mầm bệnh có hể truyền qua đường tiêu hóa: khi ăn uống phải thức ăn có nhiễm mầm bệnh, vi khuẩn lao vào ruột có thể gây lao ruột, hoặc theo máu và hệ lâm ba đến các cơ quan nội tạng gây các thể lao khác như lao hạch, lao thận, lao màng não...
Mầm bệnh còn có thể qua sữa gây bệnh cho gia súc và cho người.
* Biểu hiện bên ngoài:
- Lao phổi: thể này rất phổ biến. Con vật ho khan từng cơn. Khi trời lạnh làm việc nhiều thì ho nhiều hơn. Đờm dãi bật ra miệng và được nuốt lại. Con vậy gầy sút, thời kỳ đầu có sốt nhẹ, da khô, lông dựng, mất khả năng sinh sản.
Bệnh nặng và đang tiến triển có thể ho bật ra máu ở miệng hay lỗ mũi. Bệnh diễn biến vài tháng, vật suy yếu dần rồi chết.
- Lao hạch: hầu hết trâu bò bị nhiễm lao đểu có thể biểu hiện ở hạch. Các hạch hay bị lao là hạch trước vai, trước đùi, hạch dưới hầu và hạch mang tai, hạch phổi. Hạch ruột bị lao thì làm con vật bị ỉa chảy kéo dài.
- Lao vú: thường xảy ra đối với bò cái đang vắt sữa, vi khuẩn lao khu trú, phát triển trong tuyến sữa làm cho bầu vú, núm vú bị biến dạng, sờ thấy những cục lổn nhổn. Chùm hạch vú sưng to và nổi cục. Lượng sữa giảm hẳn. Sữa biến màu thành vùng hoặc hồng, nâu tùy theo tình trạng của bệnh.
- Lao ruột: con vật ỉa chảy dai dẳng, phân tanh khắm, đôi khi lại táo bón. Con bệnh gầy mòn, suy nhược. Ớ nước ta hay gặp bệnh lao phổi ở các nơi nuôi bò t ập trung như đàn bò thịt ở các môi trường trước đây, trong các điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh thú y kém và nhất là không được kiểm tra định kỳ để phát hiện và loại thải những con có bệnh.
* Phòng chống bệnh:
Điều trị:
Khác với ở người, trong thú y không ưu tiên cho việc điều trị lao phổi ở gia súc vì lý do tốn kém vé kinh tế gấp nhiều lần giá trị con vật và hiệu quả thấp.
Phòng bệnh:
- Chỉ thực hiện được ở đàn bò giống và bò sữa các biện pháp phát hiện bệnh lao qua các đợt kiểm tra định kỳ bằng khuẩn tố lao. Mỗi năm cần kiểm tra 2 lần. Khi có bò dương tính thì cách ly và loại thải. Đồng thời vệ sinh tiêu độc chuồng trại.
- Đàn gia súc nuôi trong hộ chăn nuôi gia đình ít khi thấy có bệnh lao.
|