Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Cây ngô thường xuất hiện những con sâu cắn phá trên lá, chúng gặm ăn khuyết lá, có khi ăn hết cả lá và chỉ để lại phần dọc gân chính, thậm chí chúng có thể cắn trụi cả phần thân của những cây ngô còn nhỏ, ngoài ra chúng ăn cả hạt non trong bắp. Xin cho biết đó chính là những con sâu gì? Và cách phòng trị loại sâu này như thế nào cho hiệu quả?
Theo mô tả thì những con sâu đã gây hại cho cây ngô là sâu cắn lá. Thực tế có hai loại sâu cắn lá trên cây ngô, đó là: Sâu cắn lá nõn (Leucania loreyi) và sâu cắn gié (L. separata). Chúng là những loài sâu đa thực vì ngoài cây ngô chúng còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, mía, lúa mì, kê và một số cây thuộc họ hòa thảo khác. Chúng thường gây hại nhiều từ khi cây ngô có từ 4-6 lá cho đến khi cây sắp trỗ cờ. Chúng tôi giới thiệu qua một số đặc điểm của hai loài sâu này để các bạn tham khảo và có biện pháp phòng trị một cách chủ động:
* Sâu cắn lá nõn:
Con trưởng thành dài khoảng 14-18 mm, sải cánh rộng khoảng 25-30 mm, đầu mầu nâu tro. Cánh trước mầu nâu nhạt hoặc nâu vàng, hoạt động vào ban đêm, thích mùi chua ngọt. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng, cá biệt trên 1.000 trứng.
Trứng hình bầu dục, mới đẻ mầu trắng sữa, sau chuyển sang mầu nâu. Sau khi đẻ khoảng một tuần lễ thì trứng nở.
Sâu non tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực (lúc chưa trổ). Sâu non tuổi lớn gặm khuyết lá, ăn trụi cả phần thân non, chui vào bắp non ăn hạt. Sâu non thường hoạt động vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong lá nõn, bẹ lá...
Khi cây còn nhỏ sâu hóa nhộng ở dưới đất (sâu 2-5cm). Từ khi cây trổ cờ trở đi sâu hóa nhộng trong bẹ lá, lá bi hoặc bắp. Sâu thường gây hại nhiều các vụ ngô đông xuân và xuân.
* Sâu cắn gié:
Con trưởng thành dài khoảng 16-20 mm, sải cánh rộng khoảng 40-50 mm, thân màu nâu tro hoặc nâu vàng nhạt, hoạt động vào ban đêm, thích mùi chua ngọt. Ban ngày ẩn nấp trong các lùm cây, cỏ dại,...từ chập tối trở đi bay ra hoạt động và đẻ trứng thành từng hành hoặc từng ổ trên lá bắp. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng.
Trứng hình bánh bao, đường kính khoảng 0,5-0,7 mm. Lúc mới đẻ có mầu vàng tươi sáng, sau chuyển dần sang mầu vàng đậm, trước khi nở có mầu tím than.
Sâu non sợ nắng, sợ ánh sáng nên ban ngày sâu non ẩn nấp trong lá nõn, ban đêm bò ra cắn phá. Khi còn nhỏ sâu ăn khuyết lá, khi lớn sâu có thể ăn trụi cả lá chỉ để lại gân chính. Nếu nặng ruộng ngô trở nên xơ xác, cây còi cọc, chậm phát triển. Từ khi cây ngô bước vào giai đoạn trổ cờ phun râu trở đi sâu gây hại cờ và râu ngô, làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất.
Khi trưởng thành sâu dài khoảng 35-40mmm, di chuyển xuống đất để hóa nhộn trong một cái kén được kết bằng đất bột ở độ sâu 5-10cm. Nhộng dài khoảng 16-20mm, màu nâu đỏ. Sâu thường gây hại nhiều cho ngô vụ Đông Xuân.   
Để phòng trị sâu có kết quả, các bạn cần tiến hành một số biện pháp sau:
- Do sâu thường cắn phá vào ban đêm nên nếu có điều kiện hãy tổ chức đốt đèn bắt sâu non.
- Dùng bẫy bả chua ngọt thu hút con trưởng thành vào bẫy để tiêu diệt, biện pháp này muốn có kết quả phải được tiến hành đồng loạy trên diện rộng, tránh làm đơn lẻ một mình vì sẽ thu hút sâu trưởng thành từ ruộng khác đến đẻ trứng gây hại nặng cho ruộng của mình.
Cách làm bả như sau: Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần giấm, 1 phần rượu và 1 phần nước, sau đó cứ 100 phần hỗ hợp này lại trộn thêm vào 1 phần thuốc trừ sâu Dipterex (hoặc Diptecide 90WP, hay Dip 80SP). Bả pha xong đặt trong chậu sành, nhựa...mỗi chậu khoảng 0,25-0,5 lít, đặt cao khỏi mặt đấthuốc khoảng 1-1,5m nơi đầu gió, mỗi ha khoảng 7-10 chậu, cứ khoảng một tuần thay bả mới 1 lần.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng để sớm phát hiện sâu khi chúng mới nở và dùng thuốc phun xịt diệt trừ sâu kịp thời. Về thuốc, có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu như: Confidor 100SL, Regent 5SC, Sudin 20EC, Sumitigi 30EC, Sumithion 50EC, Bi58-40EC, Basudin 40EC,...
- Nếu ruộng ngô thường xuyên bị sâu gây hại nặng nên luân canh một vài vụ với một số loại rau đậu như rau ngò, rau cải, đậu que, dưa leo, dưa hấu,...
Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình