Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Trên các phần non của cây ngô như lá, ngọn, bẹ lá non, lá cờ,... thường có rất nhiều con rệp nhỏ tập trung bu thành từng đám, có con không có cánh, nhưng cũng có những con có cánh. Chúng cắn phá làm cho cây ngô ốm yếu, còi cọc, chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất của cây. Xin cho biết rõ thêm về con rệp này? Cách phòng trừ chúng như thế nào để đạt kết quả cao?

Rệp hại ngô là một loại sâu thường xuyên xuất hiện và gây hại, đôi khi rất trầm trọng, nhất là vào những thời điểm thời tiết có độ ẩm cao trong năm.

Loài rệp này thuộc họ Rệp muội (Aphidae), Bộ cánh đều (Homoptera). Chúng là một loài côn trùng đa thực, ngoài cây ngô chúng còn gây hại nhiều loại cây trồng khác như: kê, cao lương, mía, nhiều loại cỏ trồng làm thức ăn cho gia súc...Ngoài ra chúng còn là môi giới truyền bệnh vi rút gây một số bệnh cho cây ngô như bệnh vàng lùn, bệnh khảm lá, bệnh đỏ lá,....

Rệp thường sống tập trung thành từng đám ở các bộ phận non của cây bắp như nõn lá, bẹ lá non, hoa cờ, lá bao...để chích hút dinh dưỡng của các bộ phận này, làm cho cây ngô thiếu hụt chất dinh dưỡng, còi cọc, gầy yếu, bắp nhỏ đi, chất lượng của hạt kém. Đặc biệt là nếu chúng tấn công từ khi cây bắp còn non có thể sẽ làm cho cây bắp không ra trái, gây thất thu nghiêm trọng cho người trồng.

Quy luật sinh sống và gây hại của rệp:

Vào đầu vụ rệp cái có cánh từ những cây kí chủ phụ, từ những ruộng bắp xuống giống sớm hoặc những ruộng bắp vụ trước bay tới đẻ ra rệp con, những rệp con này sẽ phát triển thành những rệp cái không có cánh, những rệp cái không có cánh này tiếp tục sinh sản theo kiểu đơn tính nhiều thế hệ nối liếp nhau đến khi số lượng dầy đặc (mật số cao), nguy cơ thiếu thức ăn bị đe dọa thì trong quần thể rệp xuất hiện những con cái có cánh, những con có cánh này lại bay đi nơi khác tìm nguồn thức ăn mới (ruộng bắp khác hoặc ký chủ phụ) để tiếp tục gây hại và sinh sản duy trì nòi giống. Nếu mật số rệp thấp, ruộng không bị thiếu thức ăn thì đến cuối vụ, khi cây bắp chuyển dần sang già cứng, thức ăn không còn phù hợp nữa thì trong quần thể rệp cũng xuất hiện những con rệp cái có cánh bay đi tìm nguồn thức ăn mới (những ruộng bắp mới xuống giống của vụ sau hoặc trên các cây kí chủ phụ) để sinh sống và sinh sản duy trì nòi giống.

Trong một vụ rệp thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất từ khi cây bắp có 8 - 9 lá trở đi. Những ruộng gieo dày, bị bít bùng, không thông thoáng, tạo ẩm độ không khí trong ruộng cao, thường là những ruộng bị rệp gây hại nhiều hơn những ruộng khác.

Để phòng trị rệp có kết quả cao cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ ngay từ đầu vụ. Chúng tôi xin tư vấn một số biện pháp chính sau:

- Trước khi làm đất, gieo hạt cần dọn sạch sẽ cỏ dại trong ruộng và xung quanh bờ để tiêu diệt những con rệp đang sinh sống trên đó, không cho rệp tích lũy số lượng để từ đó di chuyển sang phá ruộng bắp ở đầu vụ, hạn chế nguồn rệp tích lũy ban đầu.

- Không nên gieo quá dày dễ làm cho ruộng bắp bít bùng, tạo ấm độ trong ruộng cao thuận lợi cho rệp phát sinh gây hại. Gieo trồng với mật độ hợp lý thích hợp với yêu cầu của từng lọai giống mà nhà sản xuất giống đã khuyến cáo.

- Nếu ruộng thường bị rệp gây hại nên trồng xen bắp với những cây thuộc họ đậu đỗ để tăng cường hoạt động của hệ thiên địch, đặc biệt là nhóm bắt mồi ăn thịt như ruồi ăn rệp, một số loài bọ rùa như bọ rùa chữ nhân, bọ rùa 4 vạch, bọ rùa 6 vạch, bọ rùa 2 đốm đỏ, bọ rùa 8 vệt...

- Để diệt trừ rệp có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu sau đây và phun xịt trực tiếp lên chỗ có rệp đang gây hại: Ofunack 40EC; Elsan 50EC; Netoxin 95WP; Catodan 90WP; Admire 050EC; Regent 800WG; Fentox 25EC; Sumicidin 10EC/20EC; ..Chú ý phun xịt trực tiếp lên chỗ có dịch đang gây hại.

- Nếu đã áp dụng nhiều biện pháp mà vẫn chưa mang lại kết quả cao, nênluân canh cây bắp trên diện rộng một vài vụ với cây lúa nước hoặc một số loại rau trồng nước khác.

Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình