Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Giò lan Hồ Điệp và Đăng Lan có bộ rễ khỏe màu trắng xám, nhưng chỉ sau một số đợt mưa dài ngày thì thấy có những rễ bị héo khô xốp, không còn cứng chắc như trước, về sau chúng chuyển dần sang màu nâu đen rồi mục ra. Xin cho biết đó là hiện tượng gì? Liệu có ảnh hưởng đến việc ra hoa của cây lan không? Xin cho biết cách khắc phục hiện tượng này như thế nào?

Đây là triệu chứng của bệnh héo rễ (Wilt), do nấm Sclerotium  rolfsii  sacc gây ra.

Bệnh thường gây hại nhiều trên một số giống lan như Phalaenopsis (Hồ điệp): Dendrobium (Đăng lan); Cattleya (Cát lan)...Với những giống có bộ rễ to, khỏe, chắc như Vanda (Vân lan)... bệnh thường hại ít hơn. Đối với những cây lan còn nhỏ vừa mới được “ra ngôi” nếu rễ bị hại thì bộ lá sẽ vàng dần, nếu nặng có thể bị chết. Với những cây lan đã trưởng thành đang phát triển tốt thì ít bị chết hơn, nhưng rễ khô và mục sẽ làm cho cây chậm phát triển, yếu ớt, còi cọc và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa sau này.

Thường bệnh tấn công đầu tiên ở đoạn rễ gần với gốc cây (nơi mà rễ tiếp xúc nhiều với chất trồng) vì nơi đây có ẩm độ cao (nhất là những người dùng vỏ của trái dừa khô hay cám xơ dừa làm chất trồng, khi mưa hoặc tưới, nước bị giữ lại nhiều trong đó). Còn phần rễ nằm xa gốc do không tiếp xúc với chất trồng, thóang khí, khô ráo nên ít bị bệnh tấn công hơn. Sau khi gây hại ở đọan rễ gần gốc bệnh tiếp tục lan dần xuống phía chóp rễ, làm cho cả bộ rễ bị hư hại. Những rễ mới bị bệnh nếu không chú ý vẫn tưởng đó là rễ bình thường, vì lúc đó rễ chưa có biến đổi nhiều về màu sắc, kích thước, nhưng nếu sờ tay  bóp nhẹ thì thấy rễ đã bị khô xốp nhe, chứ không tươi, cứng chắc như rễ bình thường. Khi tuốt bỏ lớp ngoài của rễ bị bệnh ra thì phần lõi rễ bên trong vẫn còn dai chắc. Nếu gặp thời tiết mưa ẩm nhiều thì chỗ bị bệnh bị mục và chuyển dần sang màu nâu đen.

Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

- Nếu trời mưa dài ngày liên tục nên dùng vải nilon che phía trên giàn lan để hạn chế bớt nước mưa xối xuống chậu lan.

- Về chất trồng, không nên dùng các vật liệu có tính giữ nước lâu dài như vỏ dừa khô, cám xơ dừa...nên dùng dớn sợi, than củi để chất trồng không giữ nước nhiều dễ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh, phát triển.

- Vào những thời điểm có ẩm độ không khí cao nên giảm bớt lượng nước tưới và cữ tưới trong ngày.

 - Không nên treo các chậu lan sát sít nhau để giàn lan luôn được thông thoáng, giảm bớt ấm độ không khí trong giàn lan, đồng thời hạn chế sự lây lan của bệnh từ chậu này sang chậu khác.

- Không nên che chắn quá kín xung quanh để giàn lan luôn được thông thoáng, có nhiều ánh sáng tán xạ tốt cho cây lan.

- Không nên dùng nhiều phân bón có hàm lượng đạm cao, làm cho cây  xanh  mướt, bộ rễ mềm yếu, sức chống đỡ với bệnh kém.

- Khi cây đã nhiễm bệnh cần cắt bỏ hết những rễ đã bị bệnh treo chậu lan cách ly ra một khu riêng sau đó dùng một trong các loại thuốc như: Benlate 50WP; Fundozol 50WP; Bendazol 50WP; Vicarben 50BTN; Topsin-M 50WP; Derosal 50SC... để phun xịt. Sau khi phun xịt thuốc nên bỏ một vài cữ tưới để thuốc không bị rửa trôi.

Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình