Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Cây phong lan không hiểu tại sao ở mặt dưới của lá, xung quanh các chồi non, ở cuống hoa...xuất hiện rất nhiều con vật lớn to bằng hạt vừng, hình bầu dục, trên ngời chúng có phủ một lớp trắng xốp như bông, hầu như không thấy di chuyển. Chỗ nào bị chúng bu bám nhiều thì trên lá có phủ một lớp đen như bồ hóng. Sau đó lá chuyển dần sang màu vàng rồi khô chết. Xin cho biết đó là loại sâu gì? Biện pháp phòng trị như thế nào cho hiệu quả?

Cây phong lan đang bị rệp bông gây hại. Loài rệp này có tên khoa học là Planococcus  lilacinus (còn gọi là rệp sáp gỉa, hay rệp sáp phấn...) là một loại sâu đa thực, ngoài cây lan chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây trồng khác nhất là một số loại cây ăn trái như cam, quýt, ổi, nhãn, na, sapô, chôm chôm, mận…

Cơ thể của rệp có hình bầu dục, con cái có chiều dài khoảng 2,5-4 mm, chiều rộng khỏang 0,7-3 mm,  xung quanh cơ thể có tua sáp, màu trắng như bông gòn. Con cái bám chặt vào những bộ phận non của cây hút nhựa  và có khả năng đẻ hàng trăm quả trứng nhỏ li ti ở ngay dưới bụng. Khi mới nở rệp non có chân để phân tán ra xung quanh, sau đó chân bị thoái hóa dần và chúng bám dính ở một chỗ thích hợp (thường là mặt sau của lá, ở các đọt non, cuống hoa...) để chích hút nhựa của cây cho đến khi trưởng thành. Cũng giống như một số loài rầy rệp khác, phân của loài rệp này thải ra còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có chất đường mật, chính chất đường mật này lại là môi trường rất tốt cho nấm bồ hóng phát triển, vì thế chỗ nào có rệp  sinh sống là chỗ đó có phủ một lớp màu đen như bồ hóng bếp. Nếu mật số rệp cao, chích hút nhiều sẽ làm  cho cây lan mất nhiều dinh dưỡng dẫn đến ngưng phát triển, lá sẽ chuyển dần sang màu vàng. Nếu không phát hiện và có biện pháp diệt trừ kịp thời  cây lan có thể bị khô héo và chết.

Để hạn chế tác hại của rệp các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau:

- Không nên treo các chậu lan bên dưới tán của một số loại cây ăn trái, nhất là những cây thường hay bị rệp gây hại nặng như đã nói ở phần trên.

- Hàng ngày khi tưới, chăm sóc cho cây lan nên quan sát kỹ nếu thấy con rệp nào thì bắt giết ngay con rệp đó, sẽ hạn chế được mật số rệp ở các thế hệ sau.

- Nếu mật số rệp cao không thể dùng biện pháp bắt giết bằng tay thì các bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Applaud 10WP; Supracid 40EC/ND; Suprathion 40EC; Dầu khoáng DC-Tron Plus 98,8EC; Bitox 40EC/50EC; Butyl 10WP, Mospilan... phun trực tiếp vào chỗ có rệp đu bám, nếu có thể được trước khi phun thuốc nên phun bằng nước có pha xà bông để rửa trôi bớt lớp phấn sáp bên ngoài, khi xịt thuốc dễ tiếp xúc với cơ thể của rệp, hiệu quả diệt rệp của thuốc sẽ cao hơn. Về  liều lượng và cách xử dụng thuốc các bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên vỏ bao bì. Sau khi phun xịt khoảng 7-10 ngày nếu thấy vẫn còn rệp  nên phun tiếp lần hai. Chỗ nào bị nấm bồ hóng chịu khó dùng giẻ ướt lau rửa kỹ, lá sẽ sạch trở lại. Sau khi phun thuốc diệt rệp  nên tăng  cường phun bón thêm phân qua lá để “bồi dưỡng” sức cho cây lan.

- Lưu ý nên phun xa cữ tưới để thuốc không bị nước rửa trôi. Nếu giàn lan ở gần chỗ ở thì trước khi phun xịt thuốc nên che chắn  kỹ để thuốc không bay rộng ra xung quanh.

Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình