Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Trên cây nhãn thường thấy ở mặt trên của những lá già và lá bánh tẻ có những đốm hình tròn, lúc đầu chỉ nhỏ khoảng 3-4mm hơi nhô lên khỏi bề mặt của lá, có màu xanh vàng rất mịn, sau đó đốm này cứ lớn dần lên có khi lớn gần bằng móng tay, nếu nặng trên lá có nhiều đốm chi chít, làm cho lá bị thô cứng. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng?

Rất có thể cây đã bị bệnh đốm rong, nếu đúng như vậy thì bệnh này do một loài rong có tên là Cephaleuros viresens gây ra. Đây là một bệnh xuất hiện rất phổ biến trên nhiều loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, ổi, măng cụt, vú sữa...

Vết bệnh là những đốm tròn hoặc hơi tròn, kích thước cỡ vài mm và hơi nổi gồ lên cao hơn bề mặt của phiến lá một chút do có lớp rong phát triển nên nhìn giống như một lớp nhung mịn, màu xanh hơi vàng, về sau vết bệnh phát triển rộng ra có khi đường kính đạt tới hơn 1 cm và chuyển dần sang màu vàng nâu, ở giữa vết bệnh có đóng phấn màu vàng tối đó là các quả thể của rong. Vết bệnh chỉ xuất hiện ở mặt trên của phiến lá, còn ở mặt dưới của phiến lá nơi có vết bệnh ban đầu vẫn bình thường, về sau cũng chuyển dần sang mầu nâu do rong tấn công vào tế bào biểu bì làm hủy hoại mô lá. Nếu bị hại nặng nhiều vết bệnh xuất hiện dầy đặc trên lá, làm cho lá trở nên thô cứng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng quang hợp của cây, làm cho cây còi cọc, phát triển kém, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất của quả nhãn.

Bệnh thường chỉ tấn công những lá già (là chủ yếu) một phần trên lá bánh tẻ. Ngoài ra bệnh còn tấn công trên cả thân, cành cây tạo thành những đốm hoặc mảng màu xanh vàng nhạt. Thỉnh thoảng cũng thấy bệnh xuất hiện trên vỏ quả như ổi, bưởi...

Bệnh đốm rong thường xuất hiện và gây hại nhiều ở những vườn nhãn không được đầu tư chăm sóc làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, những vườn trồng dầy làm cho vườn luôn um tùm rậm rạp che rợp nhau, không thông thoáng...

Để hạn chế tác hại của bệnh có thể áp dụng một số biện pháp cơ bản sau đây:

- Không nên trồng quá dầy để vườn luôn thông thoáng, hạn chế bệnh phát sinh phát triển và lây lan.

- Kết hợp với những đợt làm gốc sau thu hoạch để xử lý cho cây ra hoa, phải tỉa bỏ những cành già, lá già bị nhiễm bệnh nặng phía dưới gốc, cành bị sâu bệnh, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho trái đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh lây lan, đồng thời cũng làm cho vườn luôn có độ thông thoáng cao.

- Cần đầu tư nhiều phân bón, chăm sóc thật chu đáo, phòng trừ tốt các loại sâu bệnh khác để cây nhãn luôn phát triển xanh tốt.

- Nếu cây nhãn đã bị bệnh gây hại nhiều có thể dùng một số loại thuốc như COC, Booc đô, đồng Oxyclorua, Copper-B, Copper-Zinc, Kocide, Champion... hoặc những thuốc có gốc đồng khác. Về liều lượng và cách sử dụng các bạn có thể tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên vỏ bao bì. Khi phun thuốc nhớ tập trung vào tán lá phía gần dưới gốc, vì bệnh thường tập trung chủ yếu ở khu vực này.

Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình