Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Xin cho biết thời tiết ảnh hưởng việc bón phân ra sao?
Để hiệu quả của việc bón phân đạt cao, khi bón phân cho cây trồng cần phải căn cứ vào khí hậu thời tiết. Nước ta có nhiệt độ và lượng mưa ở các vùng thay đổi liên tục. Đất đai phong phú, nhiều loại, mà mỗi loại cây trồng lại thích hợp với từng điều kiện khí hậu nhất định.
 1. Nhiệt độ
Với các vùng có nhiệt độ thấp, chất hữu cơ phân giải chậm, chất dinh dưỡng cung cấp từ chất hữu cơ trong đất và phân hữu cơ bón vào ít, cây trồng cần được cung cấp đủ lượng phân hoá học. Còn ở những vùng có nhiệt độ cao, số lượng phân hữu cơ cần thiết bón hàng năm để duy trì cân bằng hữu cơ trong đất cao hơn. Thực hiện tốt như vậy mới đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển đều.
Qua nghiên cứu người ta nhận thấy, phốt pho và kali làm tăng tính chịu rét của cây, còn nitơ làm giảm tính chịu rét. Vậy khi bón phân cần thay đổi lượng phân, loại phân theo từng mùa vụ cho thích hợp. Dưới đây là sự thay đổi cách bón phân cho các loại cây trồng ngắn ngày ở miền Bắc nước ta:
- Cây trồng vụ đông: Khoai tây, ngô, khoai lang, cà chua, rau các loại, cần bón lót đủ phân và bón thúc vào cuối vụ.
- Cây trồng vụ đông xuân: Lúa, ngô, khoai lang… cần tăng cường bón lót, giảm bón thúc hoặc không bón thúc. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục và phân hóa học bón đầu vụ nhất là các loại phân giúp cho cây trồng chống rét như lân và kali.
- Cây trồng vụ mùa và vụ thu: Gồm có lúa, ngô, các loại hoa màu vụ thu. Ở thời vụ này thì đầu vụ nhiệt độ cao, ẩm độ cao, mưa nhiều, cuối vụ lượng mưa đều giảm. Nên dùng phân hữu cơ chưa hoai, khó phân giải, vùi lại rơm rạ trên đồng ruộng đầu vụ. Với các loại phân hóa học có thể bón với lượng ít ở đầu vụ và tăng cường bón thúc vào giai đoạn cuối vụ.
Các tỉnh Nam phần Trung bộ và Nam bộ sự chênh lệch về nhiệt độ không nhiều, nên lượng phân bón không cần thay đổi nhiều. Tuy nhiên, lúc bón phân cũng cần dựa vào thời tiết, để phân bón không bị hao tổn.
2. Lượng mưa
Sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng được tốt là sự kết hợp của nhiều yếu tố: độ ẩm, nhiệt độ, đất đai, phân bón, cách chăm sóc… Trong đó phải kể đến lượng mưa. Được biết tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa phân phối trong năm ảnh hưởng đến chế độ nước trong đất và độ ẩm của không khí. Những yếu tố đó ảnh hưởng đến khả năng hút chất dinh dưỡng của cây và sự chuyển hóa cũng như rửa trôi chất dinh dưỡng, lớp đất mặt màu mỡ…
Với các vùng có lượng mưa nhiều: Hiệu quả của phân bón thường phụ thuộc vào khả năng tiêu nước và làm thoáng đất. Bón phân ở vùng này cần phải có biện pháp để giữ cho phân bón khỏi bị rửa trôi, ở vùng này nên bón nông từ 8 – 15 cm, kể cả phân bón hữu cơ, không nên bón lót quá nhiều mà tăng số lần bón thúc. Trộn phân hữu cơ với phân hóa học để bón lót.
Với các vùng ngập lụt và khô hạn theo mùa vụ: Những vùng này thường chịu ảnh hưởng phèn. Vụ sản xuất sau vụ lũ do đất được bồi phù sa và rửa mặn, do vậy nên bón phân lân và phân kali. Vụ sản xuất sau đó, qua một vụ trồng trọt đất đã bớt màu mỡ, kèm theo sự bốc phèn, lúc này cần bón cả ba yếu tố phân đạm, phân lân và phân kali. Lượng phân hữu cơ cần tăng hơn vụ trước, đặc biệt là nhu cầu bón phân lân, có như vậy mới đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Với các vùng hanh khô: Do đất thiếu ẩm, nên phân hữu cơ phân giải chậm. Để hiệu quả của việc sử dụng phân bón đạt kết quả cao, cần dùng phân hữu cơ hoai và bón sâu vào lớp đất đủ ẩm kết hợp với việc bón phân lân lót theo hàng, theo hốc, bón phân như thế giúp cho hộ rễ cây phát triển mạnh, rễ cây ăn sâu, tìm được nước.
Nguồn: hoidap.vinhphucnet.vn
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình