Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết các giai đoạn phát triển và yếu tố cấu thành năng suất của cây lúa?
Mỗi một giai đoạn phát triển của cây lúa đều liên quan mật thiết đến yếu tố cấu thành năng suất:
Năng suất hạt = Số bông/m2 X Số hạt/bông X Tỉ lệ hạt chắc/bông (%) X Khối lượng 1.000 hạt
Hầu như mỗi một yếu tố cấu thành năng suất lúa đều liên quan đến một giai đoạn phát triển cụ thể của cây lúa, mỗi một yếu tố đóng một vai trò khác nhau nhưng đều nằm trong một hệ quả liên hoàn tạo nên hiệu suất cao nhất mà trong đó các yếu tố đều có liên quan mật thiết với nhau. Như vậy mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển đều liên quan và tạo nên năng suất hạt sau này. Vì vậy, chăm sóc, quản lý tốt ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây lúa là điều hết sức cần thiết để nâng cao hiệu suất và năng suất cây lúa.
Số nhánh lúa sẽ quyết định số bông và đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để có năng suất cao. Có thể nói số bông đóng góp trên 70% năng suất, trong khi đó số hạt/bông, số hạt chắc/bông và trọng lượng hạt đóng góp gần 30%.
Số bông/đơn vị diện tích hình thành bởi 3 yếu tố: mật độ cấy, số nhánh (số dảnh hữu hiệu), điều kiện ngoại cảnh và yếu tố kỹ thuật (như phân bón, nhiệt độ, ánh sáng...). Mật độ cấy là cơ sở của việc hình thành số bông/đơn vị diện tích. Tùy vào giống lúa và các điều kiện thâm canh như: đất đai, nước, phân bón, thời vụ... mà quyết định mật độ cấy thích hợp để có thể tăng tối đa số bông trên một đơn vị diện tích. Một yếu tố cũng hết sức quan trọng là điều chỉnh sao cho số bông hữu hiệu/đơn vị diện tích là cao nhất và thích hợp nhất, biện pháp tối ưu là:
Số nhánh lúa tối đa – Số bông lúa hữu hiệu = 0
Nhưng trong thực tế quần thể ruộng lúa thì hầu như không có hiệu số này bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trong thời kỳ đẻ nhánh (từ khi cấy lúa bén rễ hồi xanh đến khi phân hóa đòng) thì các nhánh hữu hiệu kết thúc trước khi phân hóa đòng từ 10-12 ngày, hơn nữa yếu tố mùa vụ cũng liên quan đến việc đẻ nhánh hữu hiệu, ví dụ trong điều kiện miền Bắc Việt Nam thì vụ chiêm xuân nhánh hữu hiệu lại tập trung vào thời kỳ cuối, còn vụ mùa lại tập trung vào thời kỳ đầu. Tuy nhiên việc điều chỉnh để quần thể ruộng lúa có tỉ lệ số nhánh hữu hiệu cao nhất là tiền đề để nâng cao năng suất lúa đến mức tối đa là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong sản xuất lúa.
Số hạt/bông nhiều hay ít tùy thuộc vào số gié, số hoa phân hóa cũng như thoái hóa. Toàn bộ quá trình này nằm trong thời kỳ sinh trưởng sinh thực (từ làm đòng đến trỗ). Và số lượng gié, hoa phân hóa được quyết định ngay từ thời kỳ đầu của quá trình làm đòng (bước 1-3 trong vòng từ 7-10 ngày). Thời kỳ này bị ảnh hưởng bởi sinh trưởng của cây lúa và điều kiện ngoại cảnh, các yếu tố này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thoái hóa hoa. Thời kỳ thoái hóa hoa thường bắt đầu vào bước 4 (hình thành nhị và nhụy) và kết thúc vào bước 6, tức là khoảng 10-12 ngày trước trỗ. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu dinh dưỡng ở thời kỳ làm đòng hoặc do ngoại cảnh bất thuận như trời rét, âm u, thiếu ánh sáng, bị ngập, hạn, sâu bệnh... ngoài ra cũng có nguyên nhân do đặc điểm của một số giống.
Tỉ lệ hạt chắc/bông: tăng tỉ lệ hạt chắc/bông hay nói cách khác là giảm tỉ lệ hạt lép/bông cũng là yếu tố quan trọng quyết định năng suất lúa. Tỉ lệ hạt chắc/bông được quyết định ở thời kỳ trước và sau trỗ, nếu gặp điều kiện bất thuận trong thời kỳ này thì tỉ lệ lép sẽ cao. Tỉ lệ lép/bông không chỉ bị ảnh hưởng của các yếu tố nói trên mà còn bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của giống. Thường tỉ lệ lép giao động tương đối lớn, trung bình từ 5-10%, ít là 2-5%, cũng có khi trên 30% hoặc thậm chí còn cao hơn nữa.
Yếu tố cuối cùng là Khối lượng 1.000 hạt: yếu tố này biến động không nhiều do điều kiện dinh dưỡng và ngoại cảnh mà chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố giống. Khối lượng 1.000 hạt được cấu thành bời 2 yếu tố: khối lượng vỏ trấu (thường chiếm khoảng 20%) và khối lượng hạt gạo (thường chiếm khoảng 80%). Vì vậy muốn khối lượng hạt gạo cao, phải tác động vào cả 2 yếu tố này.
Nguồn: Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình