Phân bón vô cơ là phân hóa học hay còn gọi là phân khoáng. Nó được sản xuất theo phương pháp công nghiệp. Trong quá trình sản xuất có sử dụng một số nguyên liệu thiên nhiên hoặc tổng hợp. Tùy thuộc vào nguyên tố dinh dưỡng chứa trong phân mà người ta gọi là phân đạm, phân lân hay phân kali.
Nếu người ta sản xuất loại phân bón đơn lẻ với một loại nguyên tố dinh dưỡng hoặc đạm, hoặc lân, hoặc kali thì gọi là phân bón đơn.
Người ta còn sản xuất các loại phân bón đa nguyên tố bao gồm: a) phân hỗn hợp (hỗn hợp của một số loại phân đơn trộn lại với nhau bằng cơ giới cùng với chất phụ gia); b) phân hóa hợp (điều chế qua tác động hóa học giữa hai loại hóa chất để được phân bón thường có 2 nguyên tố dinh dưỡng như KNO3, NH4N2PO4, (NH4)2HPO4 và c) phân phức hợp (gồm nhiều loại nguyên tố hợp thành qua tác động hóa học hoặc cơ lý hoặc cả hóa học và cơ lý, cũng có thể chứa chất kích thích sinh trưởng, thuốc từ sâu... và thường chứa cả 3 nguyên tố dinh dưỡng N, P, K với những tỉ lệ khác nhau.
Ngoài ra người ta còn sản xuất phân bón trung lượng và phân bón vi lượng:
a. Phân bón trung lượng (chứa các nguyên tố trung lượng: Ca, Mg, Na, S). Các loại thành phần này thường được cung cấp qua thành phần phụ của phân bón đa lượng và chất cải tạo đất;
b. Phân bón vi lượng: là hỗn hợp các chất hóa học nhằm cung cấp các nguyên tố vi lượng cho cây (B, Cl, Co, Fe, Mn, Mo, Zn, Cu), có thể còn có thêm các nguyên tố siêu vi lượng, đất hiếm, chất kích thích sinh trưởng.
Đặc điểm của phân bón vô cơ là: chứa ít nguyên tố dinh dưỡng nhưng tỉ lệ chất dinh dưỡng cao; phần lớn phân hóa học dễ hòa tan (trừ phân lân) nên cây dễ hấp thụ và có hiệu quả nhanh, nâng cao độ phì của đất; bón nhiều phân hóa học và bón liên tục nhiều vụ, nhiều năm, đặc biệt là phân đạm và phân kali làm cho đất hóa chua nếu không sử dụng phân chuồng hoặc sử dụng ít để bón lót.
Nói chung, phân hóa học làm giàu đất về các yếu tố dinh dưỡng, thay đổi độ chua (pH) của đất và ảnh hưởng đến hoạt động vi sinh vật trong đất.
Xu hướng trong sản xuất các cây trồng nói chung và sản xuất lúa nói riêng, người ta thường sử dụng phân bón hỗn hợp NPK. Sử dụng phân bón hỗn hợp NPK cho lúa thường dùng với tỉ lệ 14-14-14 hoặc 24-12-12 hoặc một số loại chuyên dụng khác rồi bổ sung các loại phân đơn theo yêu cầu dinh dưỡng của cây lúa.
|