Sự phát triển của thân và các lóng cây lúa liên quan mật thiết đến sự phát triển của lá lúa. Số lá trên thân lúa là bao nhiêu thì số lóng trên thân cây lúa là tương đương và ngược lại. Mỗi một lóng được ngăn cách bởi đốt thân. Mỗi lóng thân có phần bên trong rỗng, còn phần vỏ lóng thân bao gồm rất nhiều các bó mạch hình ô van tròn với chức năng lưu dẫn nước và các chất dinh dưỡng khác để nuôi và điều tiết các quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Người ta gọi lóng trên cùng sát với bông lúa là lóng thứ nhất. Và các lóng tiếp theo được tính theo thứ tự: 2, 3, 4… cho đến lóng cuối cùng sát nằm sát phần gốc rễ cây lúa. Độ dài các lóng thân lúa cũng giảm dần theo thứ tự trên. Tỉnh đến lúc thu hoạch trên thân cây lúa thường có từ 4 – 6 lóng dài (trên 1 cm). Các lóng càng dài thì cây lúa càng dễ đổ rạp trên mặt đất, các lóng ngắn thì cây lúa thấp lùn và bộ lá phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Độ dài của lóng thân lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm của giống, mật độ cấy, khí hậu thời tiết, lượng phân bón (đặc biệt là lượng đạm), chế độ chăm sóc… Vì vậy áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để điều chỉnh sự phát triển của cây lúa nói chung và các lóng, thân lúa nói riêng là vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất cây lúa.
|