Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Chuẩn bị đất trồng mía như thế nào?

Mía là cây trồng hàng năm nhưng chu kỳ kinh tế của ruộng mía lại kéo dài vài ba năm thậm chí năm bảy năm (một vụ tơ + các vụ gốc). Chuẩn bị kỹ và đúng yêu cầu kỹ thuật đất trồng, một mặt sẽ giúp cho mầm mọc nhanh, tỉ lệ mọc cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt đạt năng suất mong muốn, mặt khác còn giúp cho công việc của các bước tiếp theo tiến hành được thuận lợi, nhất là các công việc xử lý, chăm sóc các vụ mía gốc kế sau đó. Mục đích cụ thể của các khâu chuẩn bị đất là:

Cho phép nước thấm nhanh và giữ ẩm tốt nhằm luôn luôn duy trì một độ ẩm trong đất cần thiết cho quá trình mọc mầm, đẻ nhánh và làm dóng vươn cao của cây mía. Nhất là ở những vùng đất cao, thời gian khô hạn kéo dài không có điều kiện tưới nước, làm đất kỹ sẽ có tác dụng hạn chế sự thiệt hại do khô hạn gây ra.

Tạo điều kiện cho bộ rễ của mía mọc sâu và lan rộng trong đất hút nước và hấp thụ dinh dưỡng. Một khi đất chuẩn bị không kỹ sẽ cản trở sự phát triển của bộ rễ, làm giảm khả năng hút nước, hấp thu dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến năng suất mía không chỉ vụ tơ mà còn đến cả các vụ mía gốc tiếp theo.

Đất chuẩn bị kỹ, đúng kỹ thuật còn có tác dụng ngăn cản quá trình rửa trôi, xói mòn đất, nhất là ở những vùng đất có độ dốc và lượng mưa lớn tập trung vào một số thời điểm nhất định.

Tạo thuận lợi cho các khâu công việc tiếp theo như bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... và xử lý, chăm sóc mía gốc ở các năm sau trong suốt cả chu kỳ sản xuất.

Các phương pháp chuẩn bị đất trồng mía như thế nào?

Chuẩn bị đất trồng mía có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp tuỳ thuộc vào tập quán canh tác, trình độ thâm canh và đặc điểm sinh thái của mỗi vùng cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng:

Phương pháp truyền thống: phương pháp này là dựa trên nguyên tắc quy định về thời gian từ lần cày vỡ đầu tiên đến khi trồng (đặt hom mía) và số lần cày, bừa thực hiện với các loại công cụ, máy móc nào đó. Đặc điểm của phương pháp này là đất chuẩn bị từ từ với thời gian tương đối dài đảm bảo điều kiện tốt cho đất tơi hả và phân giải các chất hữu cơ như cỏ dại, thân lá, gốc rễ còn ở trên đồng ruộng. Thông thường cách làm này thời gian kéo dài trong khoảng 45 – 60 ngày.

Phương pháp đặc biệt: sự khác biệt của phương pháp này với các phương pháp khác là ở chỗ độ sâu cày cần thiết phải đạt ngay từ lần cày đầu tiên và thời gian bắt đầu làm đất cho tới lúc trồng mía chỉ bằng phân nửa thời gian của phương pháp trên. Ưu điểm của phương pháp này có lẽ thời gian chuẩn bị đất ngắn, nhất là vào những thời vụ không cho phép kéo dài thời gian thì cách làm này phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thực hiện trong điều kiện với những loại đất tốt, thuần thục, tơi xốp, đủ ẩm và ít cỏ dại rác lá; đồng thời phải có các máy động lực và canh tác chuyên dùng thích hợp.

Phương pháp chăm sóc tối thiểu: Phương pháp này dựa trên nguyên tắc sử dụng ờ mức thấp các loại máy móc, công cụ cơ giới trên đồng mía nhằm mục đích giảm độ nén đất và sự xáo trộn những đặc điểm vật lý, hoá học thuỷ văn và vi sinh vốn có của đất. Có lẽ phương pháp này chỉ có ý nghĩa đối với các quốc gia trồng mía có trình độ cơ giới hoá cao, tới mức cần phải hạn chế sự tác hại ngược trở lại của máy móc, còn đối với những nơi sử dụng trình độ cơ giới trong canh tác mía còn thấp hoặc chưa đáng kể như chúng ta thì không có vấn đề ném đất hoặc làm xáo trộn lớn đến những đặc tính của đất.

Ngoài các phương pháp nêu trên còn có một số phương pháp chuẩn bị đất khác dựa vào tập quán canh tác hay đặc điểm riêng của vùng sinh thái như: lên liếp để nâng cao bề mặt của đất trồng mía (vùng đất thấp Tây Nam bộ); trồng dưới rãnh sâu... áp dụng ở những vùng có nhiều gió bão; trồng mía hốc (mía vườn)...

Những yêu cầu của khâu kỹ thuật chuẩn bị đất là gì?

Những yêu cầu kỹ thuật của khâu chuẩn bị đất trồng là:

Đất phải được chuẩn bị kỹ, bằng phẳng, tơi xốp, sạch cỏ và đủ ẩm.

Phải cày 2 – 3 lần. Hướng cày lần sau phải vuông góc với hướng cày lần trước để tránh lỏi và đạt độ sâu cần thiết. Độ sâu cày bằng máy phải đạt 25 – 30 cm. Độ sâu cày trâu bò 15 – 20 cm.

Sau mỗi lần cày là một lần bừa. Tuỳ theo tình trạng cụ thể của đất mà số lần bừa có thể tăng lên, sao cho đạt yêu cầu về chất lượng là: loại đường kính viên dưới 3 cm chiếm 80%, loại đường kính viên dưới 5 cm chiếm 20% và không có đất to đường kính viên trên 5 cm.

Thời gian (khoảng cách) giữa các lần cày, bừa tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của đồng ruộng và mùa vụ cụ thể mà xác định. Thông thường theo phương pháp truyền thống, thời gian từ lúc cày vỡ cho đến lúc đặt hom trồng kéo dài khoảng 45 – 60 ngày. Trong trường hợp ở những nơi đất thụôc, đất nhẹ hoặc đất luân canh với các cây họ đậu, đất trồng rau sạch chuyển qua v.v... thời gian có thể rút ngắn lại và số lần cày bừa thực tế vẫn có thể giảm so với yêu cầu chung.

Đối với đất mía phá gốc trồng lại, khâu chuẩn bị đất phải chú ý những điểm gì?

Đối với đất mía phá gốc trồng lại, việc làm đầu tiên là cày hoặc cuốc bỏ các gốc cũ, để các gốc củ không còn sót lại khi cày phá phải cày vuông góc với hàng mía cũ. Trong trường hợp ruộng mía phá gốc để lâu năm có nhiều lá rác, sâu bệnh, cỏ dại v.v... có thể cho đốt trước khi cày phá. Sau khi cày hoặc cuốc phá gốc xong cần để một thời gian cho đất hả, các gốc mía cũ khô, chết hoàn toàn.Thời gian này kéo dài khoảng 2 – 3 tuần lễ (cũng có thể kéo dài hơn hoặc rút ngắn lại tuỳ thuộc hiện trạng thực tế của đồng ruộng), kế sau đó là những công việc chung của khâu chuẩn bị đất trồng mới.

Riêng một số khu vực thuộc Tây Nam bộ bị lũ ngập nên mía phải trồng lại hàng năm. Bà con nông ở đây có tập quán khi nước rút hết (khoảng tháng 12) hom mía được trồng vào rãnh giữa hai hàng gốc cũ. Khi mía mọc mầm, đẻ nhánh các hàng gốc cũ được phá bỏ và vun dần vào luống mía mới. Cứ như vậy, các hàng mía được luân phiên trồng lại mỗi năm và trên các hàng gốc cũ được bà con trồng xen cây đậu xanh thu hoạch còn trái còn thân lá đậu vùi vào rãnh mía làm phân bón

 

 

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình