Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Chất lượng của hom giống trồng ảnh hưởng đến kết quả của ruộng mía sản xuất như thế nào?

Chất lượng của hom giống trồng giữ vai trò quyết định đối với kết quả ban đầu và là tiền đề cho các quá trình sinh trưởng và phát triển về sau của ruộng mía sản xuất. Chất lượng hom giống tốt, mầm sẽ mọc tốt, tập trung, hàng mía đủ cây không bị mất quãng tạo thuận lợi cho mía đẻ nhánh nhanh, gọn, đồng đều, đảm bảo mật độ cây cần thiết cho năng suất cao của ruộng mía.

Tiêu chuẩn chất lương hom giống mía tốt bao gồm những chỉ tiêu nào?

Hom giống tốt bao gồm những chỉ tiêu dưới đây:

Mắt mầm không quá non, không quá già (ở độ bánh tẻ) và không bị xây sát. Tức là lấy phần thân bên trên của cây mía (một phần hom ngọc và một phần hom thân). Thông thường ta lấy hom từ ruộng giống riêng hoặc chọn ruộng mía tốt 6 – 8 tháng tuổi, lấy phần thân mía trên và loại bỏ phần gốc già.

Hom giống phải đạt độ lớn cần thiết (theo từng loại giống) để mầm có sức mọc tốt và mỗi hom mang từ 2 đến 3 mắt mầm tươi, nguyên vẹn.

Không mang mầm móng của các loại sâu bệnh hại mía quan trọng.

Hom giống phải thuần không được lẫn với các giống khác.

Hom giống chuẩn bị tới đâu trồng ngay tới đó. Nhất thiết không dùng hom giống chặt để quá lâu trên đồng ruộng hoặc sân bãi.

Có nhất thiết phải ngâm, ủ hom giống mía trước khi trồng hay không?

Để đảm bảo chất lượng hom giống trồng sau khi chuẩn bị xong đem trồng ngay là tốt nhất. Giống càng tươi càng tốt, không nhất thiết phải cho héo hoặc ngâm ủ rồi mới trồng. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm hom giống càng để lâu trên mặt đất chất lượng càng kém. Hơn nữa, vận chuyển qua lại nhiều lần dễ làm cho mắt mầm bị xây sát hư hỏng lại tốn thêm chi phí, công sức.

Chỉ nên xử lý hoặc ngâm ủ hom giống trong những trường hợp sau:

Giống mía có đặc tính mọc mầm chậm cần phải xử lý (hoặc ngâm ủ) tạo điều kiện giúp cho mầm mọc nhanh hơn.

Ở nhũng vùng khí hậu lạnh (miền Bắc vào mùa rét) nhiệt độ thấp hom giống càng được ngâm ủ cho cương lên rồi đem trồng mầm sẽ mọc thuận lợi.

Ở những vùng có mầm mống của những bệnh nấm hoặc vi khuẩn quan trọng, hom giống cần xử lý để loại trừ khả năng xâm nhập của mầm bệnh.

Cách ngâm ủ xử lý hom giống mía như thế nào?

Có nhiều cách ngâm ủ hoặc xử lý hom giống trước khi trồng. Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:

Đối với giống mía mọc mầm chậm hoặc ở những vùng khí hậu lạnh: Mía giống chặt được bó thành từng bó cả cây ngâm trong nước sạch 24 – 48 giờ (tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nơi). Sau đó vớt lên dựng đứng cả bó vào nơi kín, mất hai ba ngày. Chú ý: không được đặt các bó mía nằm ngang nhằm hạn chế không cho rễ hom đâm ra sớm. Khi quan sát thấy mắt mầm cương lên thì chặt thành từng hom đem trồng (loại bỏ các hom mang mắt mầm già, hỏng hoăc kém).

Đối những nơi có mầm mống của các bệnh nấm hoặc vi khuẩn quan trọng: Hom giống có thể được xử lý bằng cách ngâm trong nước 520C trong khoảng 30 phút rồi sau đó đem trồng. Cũng có thể xử lý bằng cách ngâm hom giống trong nước vôi 2% trong vài giờ đồng hồ rồi sau đó vớt lên trồng.

Hom giống trồng người ta thường sử dụng loại mang 3 mắt mầm, vậy có gì khác nhau giữa hom 3 mắt mầm với hom hai mắt mầm và hom, một mắt mầm?

Mắt mầm là bộ phận sinh sản vô tính của cây mía. Mỗi mắt mầm là 1 cây mía non (cây mẹ) từ đó mía đẻ nhánh cấp 1, cấp 2 và tạo thành bụi. Các mắt mầm này hoàn toàn độc lập với nhau khi tách riêng ra thành từng hom mía đem trồng. Tuy nhiên, nếu để các mắt mầm cùng trên cây mía thì theo quy luật mầm trên (non) mọc trước, mầm giữa (bánh tẻ) mọc sau và mầm dưới (già) không mọc. Vì vậy khi trồng mía phải chặt ra thành từng hom và hom 1 mắt mầm mọc nhanh hơn hom 2 mắt mầm và hom 2 mắt mầm mọc nhanh hơn hom 3 mắt mầm. Sở dĩ trong sản xuất người ta sử dụng hom 3 mắt mầm là để đảm bảo độ an toàn cần thiết trong điều kiện sản xuất đại trà. Sử dụng hom 3 mắt mầm có thể mầm mọc chậm hơn một chút nhưng giảm khả năng xâm nhập của sâu bệnh, giảm khả năng tổn hại đến mắt mầm và tăng khả năng dự trữ nước và dinh dưỡng cho cây mầm ở gia đoạn đầu sinh trưởng. Theo chúng tôi, ở những nơi có điều kiện canh tác tốt (trình độ thâm canh cao) có thể trồng mía với hom một mắt hoặc 2 mắt mầm nhằm mục đích giảm lượng hom giống trồng (giảm chi phí) đồng thời giúp cho mầm mọc sớm, tập trung và tỉ lệ mọc cao hơn.

Số lượng hom giống mía cần trồng cho một hecta là bao nhiêu?

Số lượng hom giống mía cần để trồng cho một hecta tuỳ thuộc vào mật độ trồng, chất lượng hom giống và khoảng các hàng mía.

Về mật độ trồng: Người ta có thể trồng một hàng hom nối đuôi nhau, hai hàng hom từng đôi một, hai hàng hom đặt theo kiểu nanh sấu. Cũng có nơi người ta đặt xiên theo kiểu xương cá. Theo chúng tôi, nếu chất lượng hom giống tốt chỉ cần trồng một hàng hom nối đuôi nhau hoặc hai hàng hom đặt theo kiểu nanh sấu là được.

Dưới đây là số lượng hom giống trồng cho một hecta (hom đặt 2 hàng theo kiểu nanh sấu) tương ứng với khoảng cách trồng:

Khoảng cách hàng mía trên 1,4m cần 28 – 30 ngàn hom.

Khảng cách hàng mía 1,3 – 1,4m cần 30 – 32 ngàn hom.

Khoảng cách hàng mía 1,0 – 1,2m cần 34 – 36 ngàn hom.

Khoảng cách hàng mía dưới 1,0m cần 38 – 40 ngàn hom.

Sau khi rải hom giống, yêu cầu về lấp đất như thế nào để mầm mía mọc tốt?

Lấp đất là công việc cuối cùng của khâu trồng mía. Việc làm tuy đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Đôi khi chỉ vì chủ quan hoặc không nắm vững kỹ thuật, lấp đất không cẩn thận đã làm cho mầm chết ruộng mía mọc kém dẫn đến năng suất cuối cùng bị giảm. Không những thế còn ảnh hưởng xấu đến cả vụ mía gốc tiếp theo. Dưới đây là một số yêu cầu kỹ thuật lấp đất hom mía trồng:

Đặt hom giống đến đâu lấp đất ngay đến đó, không được để phơi hom mía giống trên rãnh trồng.

Đất lấp chỉ cần phủ kín hom mía với độ dày 3 – 5cm là được.

Đối với khu vực đất cao, khô hạn hoặc trồng mía vào mùa nắng cũng không được lắp đất quá dày mà chỉ lắp đất vừa kín hom như đã hướng dẫn rồi dậm (nén) chặt trên mặt rãnh trồng để giúp cho hom mía tiếp xúc với đất, với các mao mạch dẫn, mầm không bị chết khô và mọc tốt.

Đối với khu vực đất thấp, đất phèn không đặt hom mía quá sâu và khi lấp đất chỉ cần kín hom là được. Đất lấp quá dày mầm dễ bị úng thối không mọc.Trường hợp đất rãnh trồng bị sình bùn hoặc quá ướt,có thể đặt hom xuyên theo chiều gốc cắm xuống đất, ngọn hướng lên trên và lấp mỏng. Khi mầm mía mọc sẽ xuống đất dần trong quá trình thực hiện các công việc chăm sóc, bón phân và vun trồng cho mía.

Tại sao khi trồng mía phải giâm một số hom dự phòng ở hai đầu hàng?

Trong thực tế của sản xuất số mầm mía trồng thường chỉ mọc khoảng 40, 50 – 70% trở lại và số hom không mọc mầm nào cũng không phải là ít. Chính vì vậy, khi ruộng mía kết thúc giai đoạn mọc mầm, trên hàng mía nhiều đoạn bị trống đã không có mầm mọc. Nếu cứ để như thế ruộng mía sẽ thiếu cây, kết quả cuối cùng năng suất sẽ kém. Không những vụ tơ kém mà còn ảnh hưởng xấu đến cả vụ mía gốc năm sau. Mục đích của vụ giâm số hom dự phòng ở hai phía đầu hàng khi trồng là để có cây giậm vào những chỗ mất quãng trên hàng mía do mầm không mọc. Đây là một công việc đơn giản nhẹ nhàng không tốn kém nhiều nhưng hiệu quả lại rất cao, người trồng mía cần lưu ý thực hiện tốt

 

 

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình