Phân bón cho mía cũng như các cây trồng khác gồm có: Phân hữu cơ, phân vô cơ (lượng lớn và vi lượng), phân vi sinh v.v... Lượng lớn bón của từng loại phân tuỳ thuộc độ màu mỡ cũa đất, mùa vụ, và yêu cầu về năng suất, chất lượng đạt của mỗi loại cây trồng. Dưới đây là tính chất và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây mía:
Phân hữu cơ: Bao gồm các loại phân chuồng (trâu, bò, heo, gà ...), phân rác phế thải chế biến, bùn lọc ở các nhà máy đường, phân xanh v.v...
Tác dụng của phân hữu cơ là: một mặt cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, mặt khác (còn quan trọng hơn nhiều) cải thiện tính vật lý của đất, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, giữ ẩm tốt, nhờ vậy cây hấp thụ dinh dưỡng trong đất thuận lợi, cho năng suất mía cao hơn. Ở những đất nghèo chất hữu cơ dù có bón tăng lượng phân khoáng năng suất mía cũng không nâng cao lên được. Đó chính là hiện tượng bà con nông dân trồng mía quen vẫn gọi là “chai đất”.
Đối với những đất trồng mía liên tục nhiều năm, đất nghèo hữu cơ, đất khô hạn, đất cát pha v.v... như các vùng đất đồi, đất trung du và Đông Nam bộ đều cần phải bón phân hữu cơ cho mía. Ngay cả đất trồng mía ở Tây Nam bộ có tỉ lệ mùn khá cao khá cũng vẫn phải nghĩ đến việc bón phân hữu cơ cho mía nhằm nâng cao không ngừng năng suất mía cây một cách ổn định là lâu dài.
Thông thường phân hữu cơ bón lót khi trồng với lượng từ 10 – 20 tấn/ha. Trường hợp bón với không lớn (gấp nhiều lần lượng bón thông thường) thì rải đều trên mặt ruộng trước lần bừa cùng sau đó rạch hàng rải hom trồng. Đối với mía gốc, nếu bón phân hữu cơ phải cày xả xâu hai bên hàng mía, rải phân rồi cày lấp lại. Không bón phân hữu cơ lên trên hàng mía hay mặt ruộng.
Phân vô cơ: Gồm phân đạm, lân, kali và các vị lượng khác.
Phân đạm (Nitơ): Là loại phân bón giữ vai trò rất quan trọng không thể thiếu được trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mía. Tác dụng của phân đạm là giúp cho cây mọc khoẻ, đẻ nhánh nhiều. Ruộng mía được bón đủ đạm cây sinh trưởng và phát triển nhanh, bộ lá xanh tốt. Tính trung bình, để có một tấn mía, cây cần 1,25 kg N đối với mía tơ và sang vụ gốc lượng đạm cần tăng hơn 15 – 20% so với vụ tơ.
Ở cây mía, nó có thể hấp thụ một lượng đạm rất lớn trong những tuần đầu của thời kỳ sinh trưởng. Lượng đạm này được dự trữ và cung cấp dần cho cây trong suốt quá trình phát triển về sau. Bón đạm thừa, mất cân đối với các nguyên tố khác (lân và kali) và bón muộn cây mía sẽ bị vóng, chứa nhiều nước, dễ bị nhiễm sâu bệnh, đổ ngã và hàm lượng đường sacarosa trên mía thấp, chất lượng nước mía ép kém.
Phân lân (phốt pho): là một trong ba nguyên tố lớn chủ yếu tham gia các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mía. Tác dụng chính của phân lân là giúp cho cây phát triển tốt bộ rễ, nhờ đó sự hấp thụ dinh dưỡng và nước được tốt hơn, khả năng chịu hạn được tăng lên, lân còn tác dụng làm cho cây đẻ nhánh nhiều, khoẻ, tốc độ vươn cao nhanh và giữ cân bằng giữa Đạm – Lân – Kali giúp cho cây phát triển cân đối giữa năng suất và chất lượng. Trong chế biến đường mía, cây mía được bón đầy đủ lân chế biến thuận lợi hơn và chất lượng đường tốt hơn. Thiếu lân bộ rễ cây phát triển kém, đẻ nhánh ít, thân lán nhỏ lại, cằn cỗi. Để có một tấn mía cây cần 0,46 kg P2O5. Tuy nhiên đất trồng mía của ta thường là đất nghèo lân, vì vậy, để đạt năng suất mía cao cần phải bón đủ lân cho ruộng mía.
Phân kali (potat): là loại phân bón nguyên tố lớn mía cây nhiều nhất. Để tạo ra một tấn mía, cây cần khoảng 2.75 kg K2O. Tác dụng chính của kali là tham gia quá trình tổng hợp và tích luỹ đường. Bón đủ kali mía cứng cáp, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống đỗ ngã; và đặc biệt là làm tăng tỉ lệ đường trên mía đồng thời giúp cho mía chín sớm hơn. Đất thiếu kali sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía |