Thời kỳ mạ dài, ngắn tuỳ thuộc vào giống, mùa vụ hoặc phương pháp gieo trồng. Gieo mạ ruộng (mạ dược) đối với các giống lúa cũ dàI ngày, thời kỳ mạ khoảng 40 - 45 ngày ở vụ mùa, 50 -60 ngày ở vụ đông xuân, các giống lúa ngắn ngày khoảng 25 -30 ngày. Gieo mạ nền, mạ sân tuổi mạ 15 -18 ngày ở trà xuân muộn, gieo mạ khay (mạ Nhật bản) thời gian tuổi mạ chỉ 7-10 ngày tương ứng với 2,5 -3 lá ở vụ mùa.
Từ lúc gieo đến khi ra được 3 lá thật tốc độ hình thành các lá đầu tương đối nhanh, rễ phôi cũng phát triển và hình thành vài lứa rễ đầu tiên nhưng số lượng rễ chưa nhiều.để cho cây mạ sinh trưởng thuận lợi sau khi gieo cần giữ ẩm cho ruộng mạ, tránh bị ngập hoặc hạn.
Thời kỳ này dinh dưỡng của cây mạ chủ yếu dựa vào chất dự trữ trong hạt nên chưa cần bón thúc. Cây mạ còn nhỏ, yếu, khả năng chống chịu kém. Vì vậy cần tạo điều kiện để cây mạ có khả năng chống chịu rét, sâu bệnh...
Từ khi cây mạ có 4 lá thật đến khi có 5 - 6 lá đối với giống trung ngày và 6 - 7 lá đối với giống dài ngày là có thể nhổ cấy.
Thời kỳ này cây mạ sử dụng dinh dưỡng từ môi trường để sống, cần chú chăm sóc, bón thúc cho mạ phát triển. Chiều cao cây, kích thước cây mạ tăng mạnh, có thể ra được 4 - 5 lứa rễ, khả năng chống chịu cũng tăng lên.
Ở phía Bắc, những năm rét nhiều, mạ sinh trưởng chậm, tốc độ ra lá chậm nên thời kỳ mạ thường kéo dài. Ngược lại, năm ấm tốc độ ra lá nhanh, sớm đạt tuổi mạ cấy, cần có biện pháp hãm mạ để tránh mạ già, mạ ống.
Thời kỳ mạ có ý nghĩa quan trọng, chăm sóc cho mạ tốt, mạ khoẻ giúp cho cây lúa khi cấy chóng hồi xanh, khả năng đẻ nhánh tốt, tạo điều kiện cho các giai đoạn sinh trưởng phát triển sau này.
|