Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Các bệnh vi khuẩn quan trọng hại mía ở nước ta?

Đối với các quốc gia trồng mía trên thế giới, người ta xem các bệnh hại mía do vi khuẩn gây ra là hết sức nguy hiểm, chỉ đứng sau bệnh virus. Ở Việt Nam, qua những kết quả điều tra khảo sát đã ghi nhận bước đầu các bệnh vi khuẩn quan trọng dưới đây:

1. Bệnh sọc đỏ:

Bệnh này thường phát triển mạnh khi độ ẩm không khí cao. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas rubilineans.

Triệu chứng:

Trên lá mía xuất hiện những sọc đỏ nâu hẹp, đều và dài chạy song song với gân lá. Lúc đầu sọc xuất hiện ở giữa phiến lá rồi lan về hai phía và cả trên gân lá, cổ lá. Trong thân mía có thể bị thối và cây chết hàng loạt. Chẻ đôi thân mía quan sát thịt mía có màu cà phê. Trường hợp nhiễm nặng trong ruột mía tạo thành những ngăn bọng. Bệnh sọc đỏ vi khuẩn là một bệnh cây nguy hiểm làm giảm năng suất nông nghiệp và tỉ lệ đường trên mía.

2. Bệnh chảy nhựa:

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas vascularum.

Triệu chứng:

Từ nửa phiến lá phía trên tới đỉnh lá xuất hiện những sọc màu vàng lốm đốm hoặc vàng cam. Bệnh ít thấy ở lá non mà thường gặp trên các lá già. Các sọc bệnh có thể chạy suốt phiến lá nhưng không bao giờ tới bẹ. Ở cây nhiễm bệnh khi chặt ngang quan sát thấy tiết ra một chất “nhựa” màu vàng. Tác hại của bệnh chảy nhựa không chỉ làm giản năng suất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến cả khâu chế luyện ở nhà máy.

3. Bệnh thân nhọn đâm chồi:

Bệnh này được xếp vào hàng các bệnh vi khuẩn nguy hiểm của thế giới. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Xanthomonas albilineans.

Triệu chứng:

Lúc đầu xuất hiện những sọc màu trắng sữa chạy dọc theo gân lá từ bẹ tới đỉnh lá. Sau đó các sọc đổi màu sang đỏ hoặc tím. Ngọn mía và các lá trở nên cứng, chụm lại ngừng phát triển. Các mắt mầm ở ngọn đâm chồi, cây mía khô dần và chết. Chẻ dọc thân mía quan sát phía trong các mắt mầm có màu hơi đỏ. Ruộng mía bị nhiễm bệnh nặng cây sẽ chết hoặc đâm chồi thân, chồi ngọn làm giảm năng suất nông nghiệp và hàm lượng đường trên mía

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình