1. Áp dụng thừa kế theo luật trong trường hợp không có di chúc
Được coi là không có di chúc khi người có tài sản chết mà không lập di chúc hoặc có lập nhưng chính họ lại tiêu hủy di chúc như xé, đốt hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập. Cũng được coi là không có di chúc dù người chết có để lại di chúc nhưng kể từ thời điểm mở thừa kế di chúc đã bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc đó và cũng không thể chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc.
Trong trường hợp này toàn bộ di sản được phân chia có những người thừa kế theo quy định tại Điều 670 Bộ Luật Dân sự.
2. Áp dụng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp
Một di chúc sẽ được coi là không hợp pháp nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã được quy định tại khoản 1 Điều 655 Bộ Luật Dân sự. Di chúc bị coi là bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực. Tùy theo từng trường hợp mà xác định mức độ vô hiệu của di chúc. Di chúc không hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ nhưng có thể bị coi là vô hiệu một phần.
Di chúc sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu di chúc đó do người không minh mẫn, sáng suốt lập ra, di chúc không phải là ý nguyện đích thực của người lập, di chúc do người đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi lập ra mà không có sự đồng ý của cha mẹ hay người giám hộ, hoặc di chúc do người dưới 18 tuổi lập ra. Một di chúc cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu toàn bộ nội dung của nó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của họ.
Di chúc không hợp pháp chỉ bị coi là vô hiệu một phần nếu nội dung của nó chỉ có một phần không hợp pháp và phần không hợp đó không ảnh hưởng đến hiệu lực của những phần còn lại. Trong những trường hợp này phần di sản liên quan đến phần di chúc có hiệu lực vẫn được giải quyết theo di chúc. Chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực.
Ví dụ: Ông A có ba người con thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất là B, C, D. Trước khi chết ông A lập di chúc để định đoạt tài sản của ông (trị giá 785 triệu đồng như sau: cho M bạn thân của ông) hưởng số tài sản trị giá 20 triệu, cho B, C, D mỗi người hưởng 250 triệu. Còn 15 triệu đồng cho ông H hưởng với điều kiện là H phải gây thương tích nặng cho K (là người mà ông có hận thù lúc còn sống). Trong di chúc nói trên ông A định đoạt 15 triệu cho H Huong là bất hợp pháp nên 15 triệu đó được chia cho những người thừa kế theo luật. Vì vậy, vụ thừa kế trên được giải quyết như sau: M = 20 triệu, B = 255 triệu, C = 255 triệu, D = 255 triệu.
3. Áp dụng phần thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản không định đoạt trong di chúc
Nếu di chúc chỉ định đoạt một phần di sản thì phần còn lại sẽ được chuyển dịch cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Những người trong cùng một hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau nếu di sản được chia theo pháp luật. Vì vậy, một người dù đã được hưởng di sản theo di chúc, vẫn được hưởng phần di sản được chia theo pháp luật, nếu họ là người đứng trong hàng thừa kế hưởng di sản theo pháp luật (trừ trường hợp người lập di chúc nói rõ là họ chỉ được hưởng phần di sản mà người lập di chúc đã phân định trong di chúc đó).
4. Áp dụng phần thừa kế theo pháp luật trong trường hợp người thừa kế di chúc chết hoặc chết cùng một thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế
Các cơ quan, tổ chức chỉ bị coi là “không còn” nếu vào thời điểm mở thừa kế các cơ quan, tổ chức đó đã chấm dứt sự tồn tại của mình trên thực tế như bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản. Vì vậy, nếu cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc bị chấm dứt do sáp nhập, hợp nhất hoặc chia tách thành cơ quan, tổ chức mới được sáp nhập, hợp nhất hoặc chia tách là cơ quan, tổ chức kế quyền thừa kế theo di chúc của cơ quan, tổ chức cũ. Do đó, phần di sản mà cơ quan, tổ chức cũ được hưởng theo di chúc vẫn được dịch chuyển theo đúng ý chí của người để lại di sản để cơ quan, tổ chức mới được thành lập do sáp nhập, hợp nhất hoặc chia tách sẽ thừa hưởng.
Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc đều không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì toàn bộ tài sản của người lập di chúc được dịch chuyển toàn bộ cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó.
Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến họ mới được áp dụng thừa kế theo pháp luật.
5. Áp dụng phần thừa kế theo pháp luật trong trường hợp người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng thừa kế
Những người đáng lẽ được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng lại thực hiện những hành vi đã quy định tại khoản 1 Điều 646 Bộ Luật Dân sự sẽ không được hưởng thừa kế. Trong những trường hợp sau đây:
- Hành vi nói trên xảy ra sau khi di chúc đã lập mà người lập di chúc không có ý kiến gì khác.
- Hành vi nói trên xảy ra trước khi lập di chúc nhưng người lập di chúc không biết được người đó đã có hành vi đó.
Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại.
Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến những người đó. Nghĩa là phần di sản của những người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản sẽ được dịch chuyển cho những người thừa kế theo quy định tại Điều 679 Bộ Luật Dân sự.
6. Áp dụng phần thừa kế theo pháp luật trong trường hợp người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản
Nếu việc từ chối quyền hưởng di sản đúng quy định tại Điều 645 Bộ Luật Dân sự thì phần di sản liên quan đến người từ chối sẽ được áp dụng thừa kế theo pháp luật để giải quyết. Cần lưu ý rằng: trong thực tế có những người có thể là người thừa kế theo di chúc nhưng cũng đồng thời là người thừa kế theo luật của người lập di chúc. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu họ chỉ từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc, thì phần di sản đó được chia cho những người thừa kế theo pháp luật và người từ chối vẫn được hưởng di sản theo pháp luật. Nếu họ từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản (cả theo di chúc, cả theo pháp luật) thì phần di sản đó được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản (trừ người đã từ chối quyền hưởng di sản).
Trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều từ chối quyền hưởng di sản, thì toàn bộ di sản thừa kế mà người lập di chúc để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 679 Bộ Luật Dân sự.
Nếu chỉ có một hoặc nhiều người trong số những người thừa kế theo di chúc đều từ chối quyền hưởng di chúc, thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với những phần di sản liên quan đến những người từ chối quyền hưởng di sản |