Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT: Luật thừa kế
Những chủ thể nào được thừa kế theo pháp luật?

Căn cứ vào mối quan hệ giữa người chết với người khác, Luật dân sự đã xác định phạm vi những người thừa kế theo pháp luật như sau:

Về quan hệ hôn nhân: Là quan hệ giữa vợ chồng được xác lập thông qua việc kết hôn hợp pháp hay trong trường hợp kết hôn thực tế được pháp luật công nhận. Đây là sự kiện làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Trong đó quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng được pháp luật xác định và bảo vệ. Theo mối quan hệ về hôn nhân thì người thừa kế theo pháp luật của người chết là vợ hay chồng của người đó.

Về quan hệ nuôi dưỡng: được xác lập thông qua việc nhận con nuôi. Việc nuôi con nuôi phải được đăng ký và làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hôn nhân, gia đình và pháp luật về hộ tịch. Người được nhận nuôi là con nuôi hợp pháp của người nhận nuôi, nếu việc nhận con nuôi đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục luật định… Mặt khác, những trường hợp nhận con nuôi xảy ra trước ngày luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 có hiệu lực pháp luật dù không tuân thủ các thủ tục vẫn được thừa nhận và người được nhận nuôi là con nuôi thực tế của người nhận nuôi, nếu giữa người nhận nuôi (cha, mẹ muôi) với người được nhận nuôi (con nuôi) yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như con đẻ và được mọi người thừa nhận. Theo mối quan hệ này thì người thừa kế theo pháp luật của người chết là cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của họ.

Về quan hệ huyết thống: Là quan hệ giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc bàng hệ được xác định thông qua sự kiện sinh đẻ.

Phạm vi những người thừa kế di sản được xác định từ quan hệ huyết thống trực hệ bao gồm: Các cụ, ông, bà, cha đẻ, mẹ đẻ và các con của người chết.

Phạm vi những người thừa kế di sản được xác định từ quan hệ huyết thống bàng hệ bao gồm: Anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

Phạm vi những người thừa kế di sản được xác định thông qua các mối quan hệ nói trên được quy định thành từng hàng thừa kế theo trật tự: người nào có quan hệ gần gũi hơn với người chết sẽ đứng ở hàng thừa kế trước.

1. Quan hệ giữa những người cùng hàng thừa kế

A) Quan hệ giữa những người trong hàng thừa kế thứ nhất:

A 1) Quan hệ giữa vợ - chồng:

Nếu vào thời điểm một bên chết mà quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý vẫn còn tồn tại, thì người còn sống là người thừa kế di sản của người đã chết.

Khi giải quyết di sản giữa vợ và chồng cần lưu ý các trường hợp được quy định tại Điều 683 Bộ Luật Dân sự. Ngoài ra cần lưu ý mấy điểm sau đây:

Nếu một người có nhiều vợ mà tất cả các cuộc hôn nhân đó được tiến hành trước ngày 13-1-1960 ở miền Bắc (ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình 1959) và trước ngày 25-3-1977 ở miền Nam (ngày công bố văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước, thì khi người chồng chết, tất cả những người vợ (nếu còn sống vào thời điểm người chồng chết) đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của người chồng. Ngược lại, người chồng cũng là người thừa kế ở hàng thứ nhất của những người vợ đã chết trước (theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Điều lưu ý trên đây nhằm khắc phục những tồn tại của lịch sử. Vì các cá nhân chỉ phải tuân theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng kể từ ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1959 được công bố (ở miền Bắc) và kể từ ngày các văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước (ở miền Nam).

Đối với những cán bộ, chiến sĩ đã có vợ ở miền Nam, sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng một bản có hiệu lực pháp luật, thì tất cả những người vợ đó đều là những người thừa kế ở hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại.

Đối với những trường hợp hôn nhân không có đăng ký kết hôn, nhưng được thừa nhận là hôn nhân thực tế, thì quan hệ vợ chồng vẫn được thừa nhận và vì vậy họ là người thừa kế theo pháp luật của nhau.

Đối với trường hợp hai vợ chồng đã ly hôn, sau đó quay lại sống chung mà cuộc sống chung đó không bị hủy bỏ bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, thì họ vẫn là người thừa kế theo pháp luật của nhau.

A 2) Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ và con.

Cha đẻ, mẹ đẻ của một người là người đã sinh ra người đó. Vì vậy, cha mẹ của người con trong giá thú hoặc ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của người con của mình. Và ngược lại, người con trong hay ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cha, mẹ mình.

Cha nuôi, mẹ nuôi của một người là người đã nhận người đó làm con nuôi của mình theo quy định của pháp luật. Cha nuôi, mẹ nuôi là người hàng thứ nhất của con nuôi và ngược lại, con nuôi là người thừa kế hàng thứ nhất của cha, mẹ nuôi của mình.

Đối với trường hợp nhận con nuôi không được đăng ký theo quy định của pháp luật, thì cha, mẹ nuôi, con nuôi chỉ được thừa kế di sản của nhau nếu được công nhận là con nuôi thực tế.

Cần lưu ý, con dâu không phải là người thừa kế theo pháp luật của bố, mẹ chồng, con rể không phải là người thừa kế theo pháp luật của bố, mẹ vợ. Tuy nhiên, trong trường hợp con dâu tham gia lao động chung trong gia đình bố mẹ chồng, góp phần xây dựng, duy trì khối tài sản ở gia đình bố mẹ chồng, thì người con dâu có quyền được hưởng phần tài sản chung hiện có với tư cách là một đồng chủ sở hữu. Phần tài sản còn lại mới được coi là di sản thừa kế mà bố, mẹ chồng để lại khi chết và mới được chia cho những người thừa kế của họ. Người con rể trong trường hợp tương tự cũng được giải quyết như người con dâu.

B) Quan hệ giữa những người trong hàng thừa kế thứ hai.

Ở hàng thừa kế này có hai mối quan hệ sau đây:

B 1) Quan hệ thừa kế giữa anh ruột và em ruột.

Một người sinh ra bao nhiêu người con thì tất cả những người đó đều là anh, chị em ruột của nhau. Như vậy, anh chị, em ruột là những người có cùng cha, mẹ, có thể là những người có cùng cha nhưng khác mẹ hoặc những người có cùng mẹ khác cha. Anh, chị, em ruột là những người có quyền hưởng di sản thừa kế của nhau (người này chết, người kia có quyền thừa kế và ngược lại).

Trường hợp một người có con đẻ, vừa là con nuôi, thì giữa con đẻ và con nuôi không phải là anh, chị, em ruột nên họ không phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau.

B 2) Quan hệ thừa kế giữa ông, bà và cháu.

Ông nội, bà nội của một người là người đã sinh ra cha của người đó. Ông ngoại, bà ngoại của một người là người đã sinh ra mẹ của người đó. Như vậy, quan hệ này chỉ được xác định trên cơ sở huyết thống. Ông nuôi, bà nuôi, tức là bố, mẹ của cha, mẹ nuôi của người thừa kế để lại di sản không phải là người thừa kế ở hàng thứ hai của người đó. Vì quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ giữa bố, mẹ nuôi với con nuôi chỉ xuất hiện theo sự kiện nhận nuôi con nuôi. Mặt khác, con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ của người nuôi dưỡng.

Nếu ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại còn sống vào thời điểm người cháu của mình chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ hai của người cháu, nhưng cháu không phải là người thừa kế ở hàng thứ hai của các ông, bà vì cha, mẹ của cháu (tức là con của ông, bà) là người thừa kế thứ nhất của ông, bà. Nếu cha mẹ cháu chết trước ông, bà thì cháu là người thừa kế thế vị để hưởng di sản của ông, bà.

C) Quan hệ giữa những người thừa kế trong hàng thứ ba.

 Ở hàng thừa kế này có hai mối quan hệ sau đây:

C 1) Quan hệ thừa kế giữa cụ và chắt.

Cụ nội của một người là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nội của người đó. Cụ ngoại của một người là người đã sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó. Như vậy các cụ của một người là người đã sinh ra ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người đó. Người đó là chắt của các cụ. Khi chắt chết trước, các cụ là người thừa kế ở hàng thứ ba của chắt, nhưng chắt không phải là người thừa kế ở hàng thứ ba của các cụ mà là người được hưởng di sản của các cụ theo chế độ thừa kế thế vị (tương tự như cháu thế vị bố, mẹ để hưởng di sản của ông, bà).

C 2) Quan hệ thừa kế giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột và cháu.

Mỗi một địa phương có một cách gọi khác nhau về những người này. Vì vậy, hiểu một cách chung nhất thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của một người là những anh, chị, em ruột của bố đẻ, hoặc mẹ đẻ của người đó.

Quan hệ này là quan hệ giữa những người hưởng di sản của nhau, nghĩa là khi cháu chết trước thì các bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột còn sống là người thừa kế ở hàng thứ ba của cháu; ngược lại nếu bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột chết trước cháu thì cháu là người thừa kế ở hàng thứ ba của người đã chết

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình